Chủ tịch WEF ấn tượng về thành tựu và lạc quan vào tương lai của Việt Nam

Thứ Năm, 13/09/2018, 16:52

"Tôi rất trân trọng và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong suốt những năm vừa qua. Không những thế, tôi cũng rất lạc quan về việc Việt Nam sẽ đạt được những kết quả tích cực hơn trong tương lai, nhờ việc chủ động trong nắm bắt công nghệ, đề ra những chính sách phù hợp để tận dụng và phát huy cơ hội trong thời đại 4.0", Chủ tịch WEF Borge Brende nói. 

Ngay sau khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN 2018 tại Hà Nội kết thúc, chiều 13-9, Chủ tịch WEF Borge Brende đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018 với chủ đề "Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy Kết nối & Sáng tạo".

Ông Borge Brende đánh giá, hội nghị thượng đỉnh này là một cơ hội lớn của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. "Tám năm qua kể từ khi Việt Nam đăng cai tổ chức WEF Đông Á 2010, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển tuyệt vời khi chỉ số GDP tăng gần gấp đôi, giá trị xuất khẩu tăng gần gấp 3 lần, giá trị chứng khoán tăng gấp 2", ông Brende nhấn mạnh. 

Chủ tịch WEF Borge Brende lạc quan về sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Ảnh: WEF. 

Hơn nữa, Chủ tịch WEF bày tỏ sự ấn tượng trong việc đề ra những chính sách xã hội và việc làm của Việt Nam để cắt giảm tỉ lệ đói nghèo hiệu quả, từ 50% trong năm 1992 xuống còn 3% trong năm 2018. Ông Borge Brende nói: "Việt Nam là một điển hình cho các quốc gia ASEAN trong việc đẩy lùi đói nghèo. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng, không hề tự mãn, luôn nỗ lực cải cách và thay đổi để đảm bảo không bị tụt lại phía sau và tăng trưởng trong tương lai"

Nói về việc vượt qua các thách thức trước tình hình thế giới bất định, ông Borge Brende cho hay, các chính phủ trên thế giới đang phải đối mặt với mức tăng cao của nợ công và yếu điểm trong hệ thống tài chính trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực sự có những biện pháp tốt để giảm nợ công, nợ xấu phù hợp, đảm bảo tính bền vững. 

Ông Brende hy vọng rằng Việt Nam sẽ mở cửa thị trường hơn nữa để nâng cao sức cạnh tranh. Có thể những năm đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng WEF sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc đề ra các biện pháp tốt nhất để tiếp cận với nhiều thị trường lớn. 

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018. Ảnh: Phạm Hải.

Về thương mại, Chủ tịch WEF cho biết Chính phủ Việt Nam tham gia rất tích cực vào các hiệp định tự do thương mại và Hiệp định CPTPP là một trong những nỗ lực thúc đẩy rất đáng chú ý. Việt Nam cũng có những bước cải cách doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hóa nhiều hơn, đơn giản hóa nhiều thủ tục đầu tư. Theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) về thứ hạng các quốc gia có điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, Việt Nam đứng thứ 82 trong năm 2017 nhưng năm nay đã lên hạng 68. 

Ông Brende bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua. Ông cho biết có rất nhiều lý do để ông lạc quan về việc Việt Nam sẽ tiếp tục làm rất tốt trong tương lai. "Cách mạng công nghiệp mang đến cả cơ hội và thách thức. Việt Nam không hề tự mãn và luôn cải tiến trong sự xoay chuyển của thế giới. Làm chủ công nghệ, có những chính sách phù hợp để tận dụng và phát huy cơ hội trong 4.0 sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn nữa", Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh.  

Trước đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, theo báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bóo vào năm nay, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của Alphabeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 

"Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh nhwũng lợi thế truyền thống: vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuậnlợi, sự ổn định về chính trị - xã hội, quy mô thị trường lớn được gắn kết với các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, dồi dào, và chi phí thấp. Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc nhận định. 

H.Chi - L.Đan
.
.
.