Để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch là có tội với người dân

Thứ Tư, 15/04/2020, 20:55
Chủ tịch UBND TP Hà Nội bộc bạch: "Tất cả sự nỗ lực của chúng ta, đang làm tốt công tác phòng chống dịch nhưng nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân mà còn có tội".


Chiều muộn ngày 15/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu rà soát toàn bộ quá trình mua sắm trang thiết bị y tế, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22-4, đề nghị các phường, xã tiếp tục tuyên truyền để người dân thực hiện. 

Chủ tịch TP cho biết, Hà Nội trong 40 ngày gần đây có 74 ca bệnh, so với việc diễn biến các TP có số lượng dân tương đồng trên thế giới thì chúng ta đã hạn chế việc tăng cao số lượng ca nhiễm, làm thẳng được các “đường” lên cao của lây nhiễm. “Đó là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã làm chủ được diễn biến của dịch bệnh, phản ứng nhanh, phát hiện nhanh, khoanh vùng dập dịch rất nhanh”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

13 trường hợp nhiễm COVID-19 ở thôn Hạ Lôi đều không có biểu hiện bệnh, được phát hiện qua xét nghiệm.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận huyện, phường xã phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền công khai, minh bạch cho người dân diễn biến tình hình dịch bệnh. Để người dân tự giác thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. , “Chỉ khi người dân đồng lòng mới có thể dập dịch tốt. Làm sao để người dân nhận thức, tự rà soát khi có yếu tố ho, sốt, khẩn trương liên hệ y tế, lấy mẫu xét nghiệm. Và thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn trở thành thói quen lâu dài”, Chủ tịch TP nhấn mạnh. 

Ông Chung cũng nhấn mạnh, công tác xét nghiệm là tối quan trọng, kể cả xét nghiệm nhanh hoặc gửi về xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime PCR. “13 trường hợp thôn Hạ Lôi được phát hiện nhờ công tác xét nghiệm, hay như ở Thường Tín cũng vậy. Các bệnh nhân này hầu như không có biểu hiện gì”, Chủ tịch UBND TP nói.

Ông Chung cũng giao sở Y tế, quản lý thị trường, Công an TP tăng cường kiểm tra các cửa hàng, cá nhân bán trang thiết bị y tế như khẩu trang, dung dịch khử khuẩn, máy thở, không để các đơn vị này bán tăng giá. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, Sở Y tế và cá đơn vị đã được phân bổ kinh phí giai đoạn 1 phải rà soát kết quả mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để tiêu cực xảy ra.

"Tất cả sự nỗ lực của chúng ta, đang làm tốt công tác phòng chống dịch nhưng nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này thì rất mang tiếng, không chỉ mang tiếng với người dân mà còn có tội. Bây giờ người dân, doanh nghiệp, ngay bản thân công chức, viên chức còn đang  góp một ngày lương để ủng hộ cho mặt trận này. Chúng ta được giao mặt trận này mà có biểu hiện, việc làm, móc ngoặc, nâng giá lên, tham ô tham nhũng, thì không những mang tiếng ở địa bàn thành phố, mang tiếng với cả nước mà mang tiếng với cộng đồng quốc tế", ông Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu hai Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Ngô Văn Quý cùng Sở Y tế phải lập kế hoạch, quản lý tài chính mua sắm vật tư y tế theo phương châm của Thành ủy, không mua sắm riêng mà phải mua sắm chung, trước mắt là các đồ cần thiết như quần áo bảo hộ, chất khử khuẩn.

"Mua đúng, mua đủ, chính xác theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ Y tế. Không để lãng phí. Phải chắt chiu. Nếu để lãng phí thì rất phản cảm, bởi vì các trường hợp công nhân, người nghèo, thất nghiệp... bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trong khi đó lãng phí là không thể chấp nhận được", ông Chung yêu cầu.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường xử phạt tất cả các trường  hợp không đeo khẩu trang."Đây là tuần quyết định. Các đơn vị phải trực 24/24/7 để tiếp nhận các thông tin để xử lý", ông Chung yêu cầu.

Ngọc Yến
.
.
.