Chống mại dâm thời mở cửa ở Việt Nam

Chủ Nhật, 30/01/2005, 09:43
Chúng ta không tổ chức các "Khu đèn đỏ" như các nước để hợp pháp hóa mại dâm, nhưng nếu để lẫn lộn các khu giải trí với các khu công sở, khu trường học, khu dân cư... như hiện nay thì rất khó kiểm soát và chống mại dâm.

Có thể nói nếu như nhiều nước trên thế giới và khu vực hợp pháp hóa mại dâm, quản lý mại dâm thì ở Việt Nam từ sau khi giành được độc lập dân tộc, Đảng và Chính phủ ta đã rất kiên quyết đấu tranh với hiện tượng xã hội tiêu cực này.

Lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tổ chức công tác điều tra, nghiên cứu nắm tình hình, phát hiện các hoạt động tệ nạn mại dâm để tổ chức đấu tranh; tiến hành các hoạt động nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, điều tra khám phá, đấu tranh bài trừ tệ nạn mại dâm.

Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề về các tệ nạn mại dâm Lực lượng Công an nhân dân giáo dục quần chúng, phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm tệ nạn mại dâm, giáo dục, cải tạo người mắc tệ nạn mại dâm trước cộng đồng.

Theo thống kê, từ năm 1994 - 2004, lực lượng Công an đã phát hiện, triệt phá 17.654 ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm, bắt giữ, xử lý 60.018 đối tượng, trong đó có 11.778 đối tượng là chủ chứa, môi giới mại dâm. Đã đánh trúng, đánh đúng nhiều ổ, nhóm hoạt động tội phạm, hoạt động tệ nạn mại dâm; đã khám phá nhiều đường dây, tổ chức hoạt động mại dâm có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như: triệt phá nhà hàng Lưu Ly, Nam Hải và Công Dung ở Hà Nội năm 1999 đến 2000 và vụ tổ chức mại dâm quy mô lớn tại Khách sạn Lake Side, Hà Nội vừa khám phá vào trung tuần tháng 12/2004.

Đặc biệt, các lực lượng Công an đã tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về phòng chống tệ nạn mại dâm với nhiều hình thức phong phú như phát động thi đua, đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, tìm hiểu tác hại của HIV/AIDS, cách phòng bệnh.

Kết hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từng hội viên thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, không mắc các tệ nạn xã hội”.

Thông qua công tác quản lý hộ tịch, nhân khẩu, tuần tra, kiểm soát, quản lý đặc doanh, lực lượng Công an đã nắm, phát hiện những đối tượng hoạt động mại dâm hoặc có biểu hiện hoạt động mại dâm trên địa bàn; phát hiện những địa điểm hoạt động mại dâm, các điểm tranh chấp hoạt động mại dâm để có biện pháp ngăn chặn và đấu tranh kịp thời.

Riêng ở Hà Nội, Tp.HCM và 20 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, thông qua các biện pháp quản lý đặc doanh đã phát hiện hơn 2.000 nhà hàng, khách sạn có biểu hiện hoạt động mại dâm. Có biện pháp quản lý chặt chẽ và yêu cầu các chủ đặc doanh ký cam kết không tổ chức các hoạt động mại dâm.

Việt Nam không chấp nhận "hợp pháp hoá" mại dâm như một số nước khác.

Phát hiện 6.580 phụ nữ làm tiếp viên cho các nhà hàng có biểu hiện hoạt động mại dâm, giáo dục và yêu cầu viết cam đoan không tham gia tệ nạn xã hội. Qua các biện pháp quản lý hành chính đã phát hiện gần 4.500 phụ nữ từ các tỉnh khác về Hà Nội, Tp.HCM hoạt động mại dâm. Riêng năm 2004 đã phát hiện và lập 2.622 hồ sơ đưa gái mại dâm vào các cơ sở giáo dục, chữa bệnh ở 20 tỉnh, thành phố.

Trong những năm gần đây, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều vụ tính chất nghiêm trọng, xâm hại đến quyền con người, nhất là quyền phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng rất xấu đến an ninh, trật tự, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, là một nguồn lây HIV/AIDS.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã phát hiện hơn 22.000 phụ nữ và trẻ em bị mua bán hoặc vượt biên lấy chồng Trung Quốc. Từ năm 1994 đến nay có hơn 11.000 chị em bị lừa gạt hoặc bị chồng ngược đãi phải bỏ về nước, trong số này nhiều chị em bị lây nhiễm HIV/AIDS.

Có hàng vạn phụ nữ và trẻ em Việt Nam, chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã bị đưa qua biên giới bán cho các nhà hàng, quán trọ, các tụ điểm mại dâm ở Campuchia trong hơn 10 năm qua.--PageBreak--

Từ cuối năm 1994, Chính phủ Campuchia thực hiện luật nhập cư mới, nhiều phụ nữ bị bán sang đây, đã bị trục xuất về nước. Công an và bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã tiến hành phân loại, lập danh sách, kết hợp với các ban, ngành tổ chức khám chữa bệnh cho hàng ngàn gái mại dâm, tạo điều kiện cho họ trở lại đoàn tụ với gia đình. Trong số này có rất nhiều chị em bị nhiễm HIV/AIDS.

Tình hình buôn bán phụ nữ và trẻ em đã gây ra nhiều hậu quả xấu đối với các nạn nhân và cộng đồng, làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây truyền các bệnh xã hội, nhất là bệnh AIDS, dẫn đến những thiệt hại lớn về kinh tế, lao động, sức khỏe cộng đồng.

Từ năm 1991 - 2004, đã phát hiện, bắt giữ hơn 2.500 vụ, hơn 4.000 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ và trẻ em, trong đó đã khởi tố 1.636 vụ, 2.805  bị can về tội mua bán phụ nữ, khởi tố 379 vụ, 571 bị can về tội bắt trộm, mua bán hoặc đánh tráo trẻ em.

Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em 2004-2010.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đòi  hỏi phải đổi mới công tác đấu tranh, kiểm soát. Từ thực tiễn đấu tranh phòng chống mại dâm ở nước ta cho thấy, bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền cho thanh thiếu niên, cho đội ngũ cán bộ công chức về phòng chống mại dâm, để chống mại dâm có hiệu quả cần tiến hành hai biện pháp quan trọng hàng đầu:

Thứ nhất, cần giao trách nhiệm chủ trì chống mại dâm cho ngành Công an và xây dựng một lực lượng chuyên trách phòng chống mại dâm tinh nhuệ, xuyên suốt từ Bộ Công an đến Công an cấp phường. Công tác phòng chống mại dâm phải bắt đầu từ xã phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, làng, ấp, bản.

Thứ hai, cần quy hoạch tốt các đô thị như các nước, trong đó đô thị chia rõ khu vực: khu công sở, hành chính, khu trường học, khu dân cư, giải trí. Tất cả các dịch vụ giải trí, các dịch vụ dễ phát sinh mại dâm như nhà hàng, khách sạn, quán trọ, khu massage, karaoke... cần tập trung về một khu vực riêng để quản lý và giao trách nhiệm hành chính quản lý rõ ràng các khu vực này cho Chủ tịch UBND và trưởng công an địa phương

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
.
.
.