Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân

Thứ Tư, 04/11/2020, 13:31
Phê bình Bộ GD-ĐT có nhiều việc đã không thông tin kịp thời, không trao đi đổi lại một cách cần thiết, Phó Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải đưa bản thảo sách giáo khoa mới lên mạng internet sớm để xin ý kiến các tầng lớp, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận.


Sáng 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Dù một bộ hay nhiều bộ sách giáo khoa thì chất lượng đều phải tốt

Giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tất cả ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, với mong muốn góp ý cho ngành giáo dục để có bộ sách giáo khoa (SGK) tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, vấn đề này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó quy định rất rõ ai chịu trách nhiệm về SGK. Từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định ra sao, đến việc phê duyệt sách như thế nào đều quy định bằng luật, chứ không phải bằng văn bản dưới luật. Và trực tiếp ở đây là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về SGK trong tất cả các khâu.

 “Nói điều đấy để thấy rằng, Luật đã quy định rất rõ ràng, việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cũng giống như các vấn đề xã hội khác, dù không thuộc trách nhiệm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm. Chính phủ trong các phiên họp gần đây đều đã thảo luận và đều có nói về vấn đề SGK. Thủ tướng nói rất nhiều lần, Phó Thủ tướng trực tiếp 2 lần họp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cùng các chuyên gia để tham gia thẩm định và có rất nhiều cuộc trao đổi riêng”, Phó Thủ tướng cho biết.

"Trong các cuộc họp nội bộ, chúng tôi dùng từ nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tới đây không để xảy ra tình trạng này” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ ví chương trình sách giáo khoa mới như quy định mặc áo dài. Trước đây quy định sách giáo khoa như áo dài đồng phục một màu một kiểu. Nay một chương trình nhiều bộ sách khoa là quy định chỉ cần áo dài, còn màu sắc, chất liệu, kiểu dáng… khác nhau. 

"Nhưng nhìn vào phải thấy ngay đó là chiếc áo dài, về kiểu dáng, chất liệu phải đẹp hơn áo dài một kiểu trước đây. Vì thế, dù là một hay nhiều bộ sách thì chất lượng phải tốt hơn trước", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và cho rằng trách nhiệm này là của Bộ GD-ĐT song không thể hoàn thành nếu không có sự đóng góp của chuyên gia, giáo viên và đặc biệt là toàn thể nhân dân.

Phê bình Bộ GD-ĐT có nhiều việc đã không thông tin kịp thời, không trao đi đổi lại một cách cần thiết, Phó Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải đưa bản thảo sách giáo khoa mới lên mạng internet sớm để xin ý kiến các tầng lớp, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên - những người có kinh nghiệm dạy trẻ sẽ góp ý. Qua đó, tiếp tục, chắt lọc những ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì có giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả chúng ta, tất cả đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân

Góp ý tại Nghị trường, rất nhiều đại biểu đã khẳng định, năm 2020, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu rõ, đó là điểm tốt của sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động; điểm tốt trong sự đồng hành, chia sẻ cứu trợ người dân trong hoạt động thiên tai. Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. “Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân” – đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhận định.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền

Bên cạnh điểm sáng ấy, đại biểu tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Chính phủ cần thay đổi thói quen trong các báo cáo hàng năm mà nếu không nhận ra thì rất có thể sẽ tạo thành căn bệnh đùn đẩy, né tránh trong việc làm rõ, xử lý trách nhiệm.

Đại biểu đề nghị, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung lĩnh vực, việc thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót gây tốn kém nguồn lực thì càng cần phải được quan tâm và xử lý với tinh thần thẳng thắn và quyết liệt gấp đôi, gấp ba.


Thu Thuỷ
.
.
.