Chính kiến và sự thẳng thắn

Thứ Năm, 06/06/2013, 15:27
Quá trình lấy ý kiến về bản dự thảo Hiến pháp, mọi người được tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về mọi quy định trong dự thảo và có thể đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung đối với những quy định này.

Cùng việc đại đa số ý kiến nhân dân tán thành bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi và đóng góp, bổ sung những vấn đề liên quan thì trong quá trình lấy ý kiến, có những quan điểm, ý kiến khác với dự thảo, thậm chí trái chiều. Với tinh thần cầu thị và tôn trọng tất cả các ý kiến đóng góp, ban soạn thảo đã tập hợp đầy đủ ý kiến, cùng với đó là báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Đáng chú ý, cùng những vấn đề được tiếp thu thì đối với các ý kiến trái với thực tiễn khách quan cũng được giải trình một cách rõ ràng, trực diện, kể cả những ý kiến trái với dự thảo. Việc tiếp thu, chỉnh lý và giải trình đó cho thấy ban soạn thảo quán triệt nguyên tắc làm việc thực sự khách quan, cầu thị, tôn trọng tất cả ý kiến đóng góp.

Chẳng hạn, liên quan ý kiến đề nghị cần khuyến khích có thêm một vài Hiến pháp mẫu và được trao đổi công khai để so sánh, đối chiếu, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) đã tập hợp ý kiến và giải thích rõ, theo Nghị quyết của Quốc hội thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được công bố lấy ý kiến nhân dân là Dự thảo đã được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2012) và phạm vi lấy ý kiến nhân dân là về toàn bộ nội dung của Dự thảo, nhân dân được tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về mọi quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và có thể đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung đối với những quy định này.

“Quá trình soạn thảo Ủy ban DTSĐHP cũng tham khảo và nghiên cứu Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới để chắt lọc những điểm, những quy định, những nội dung phù hợp với đặc thù Việt Nam. Vì vậy, việc đề nghị công bố thêm một vài Hiến pháp mẫu để nhân dân so sánh, đối chiếu là không cần thiết” - Ủy ban khẳng định. Liên quan ý kiến về nguyên tắc “tam quyền phân lập” (hay còn gọi là nguyên tắc phân quyền), Ủy ban giải thích, lý thuyết này không phù hợp với yêu cầu tổ chức quyền lực ở Việt Nam, nơi mà tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Tương tự, có ý kiến đề nghị yêu cầu phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và cho rằng phải như vậy “mới bảo đảm dân chủ”. Ý kiến này chỉ là quan điểm của một số người, không được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, với nguyên tắc tôn trọng tất cả ý kiến góp ý, Ủy ban DTSĐHP đã giải thích rõ, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. “Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội” - Ủy ban nêu rõ. Thực tế, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, không phải có đa nguyên là có dân chủ và cũng không thể khẳng định là nhiều đảng sẽ tốt hơn một đảng. 

Trong khi đó, liên quan Điều 4 quy định vai trò lãnh đạo của Đảng được tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình, thì ý kiến của một số người đề nghị bỏ điều này cũng được Ủy ban giải thích rõ ràng. Ủy ban DTSĐHP khẳng định, việc giữ quy định về Đảng như đã thể hiện trong Dự thảo Hiến pháp là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân. “Quy định này của Hiến pháp không chỉ xác định vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với đất nước, với nhân dân, nhắc nhở Đảng phải luôn trung thành với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phụng sự nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân” - Ủy ban lập luận.

Ở góc độ khác, khi bàn về thiết chế cho Quốc hội, có ý kiến đề nghị áp dụng mô hình chế độ hai viện (Thượng nghị viện và Hạ nghị viện) ở Việt Nam, theo mô hình như nhiều nước phương Tây. Quan điểm này trái với dự thảo và chỉ là ý kiến lẻ tẻ, tuy nhiên đều được Ủy ban tập hợp và giải thích đầy đủ. Theo Ủy ban, lịch sử lập hiến Việt Nam cho thấy, vấn đề Quốc hội một viện hay hai viện đã được đặt ra thảo luận trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, sau khi thảo luận các phương án, các nhà lập hiến Việt Nam đã chọn mô hình Quốc hội một viện. “Với cơ cấu thành phần của Quốc hội, Quốc hội nước ta thực sự là cơ quan đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam” - Ủy ban nêu rõ.

Như vậy, quá trình lấy ý kiến về bản dự thảo Hiến pháp, mọi người được tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về mọi quy định trong dự thảo và có thể đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung đối với những quy định này. Tất cả đều được tập hợp đầy đủ, những gì thể hiện ý nguyện của tuyệt đại đa số nhân dân được tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp; ngược lại những quan điểm trái thực tiễn khách quan, trái ý nguyện nhân dân cũng được tập hợp, nghiên cứu và có phân tích, lý giải rõ ràng, thẳng thắn

Đăng Trường
.
.
.