Chiêu trò đóng vai ‘người yêu nước’ gợi ý, kiến nghị không lừa được ai

Thứ Hai, 08/06/2015, 08:38
Nhằm chuyển hóa chế độ xã hội ta sang mô hình thể chế chính trị “dân chủ”, “đa nguyên” ngoại nhập, một số người đóng vai “người yêu nước” đã viết bài post lên mạng, cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “đang bế tắc trong chọn lựa chính thể thích hợp để phát triển và giữ vững chủ quyền quốc gia”; đã để “vuột” (để lỡ) nhiều cơ hội và đang đứng trước một cơ hội lớn. Vậy xin bạn đọc hãy xem họ nói Việt Nam đã “vuột” cơ hội nào? đang đứng trước cơ hội gì? Và thực chất “gợi ý”, kiến nghị của họ ra sao?

Trước hết, chúng ta hãy xem họ nói Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội nào?

Theo họ thì đó là những cơ hội sau: Trong năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội “bắt tay” với chính phủ Trần Trọng Kim lập chính phủ liên hiệp, theo chế độ Quân chủ lập hiến. Tiếp đó là cơ hội Đảng Cộng sản Việt Nam ra tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản “thật lòng” rồi “cử người sang gặp trực tiếp chính phủ Mỹ thiết lập quan hệ thì tình hình sẽ khác đi nhiều”. Theo họ trong những năm 1954-1968, Đảng Cộng sản Việt Nam còn bỏ lỡ cơ hội Mỹ đã chọn miền Nam Việt Nam làm đối tác chiến lược, xây dựng một xã hội tự do, dân chủ và giàu mạnh… Nói tóm lại theo họ thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội đưa Việt Nam trở lại chế độ người bóc lột người, trở lại chế độ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Nếu nói là Đảng ta đã để lỡ cơ hội thì đó chỉ là “cơ hội” mất nước, “cơ hội” trở thành tay sai cho ngoại bang.

Thứ hai, theo họ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nào? 

Đóng vai “người yêu nước”, họ cho rằng Việt Nam hiện nay đang đứng trước một cơ hội lớn: Đó là tất cả các nước phát triển phương Tây đang ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông. Bằng chứng là: “Việt Nam là tác nhân rất quan trọng trong chính sách “chuyển trục” của Mỹ. Các nước Mỹ, Nhật… đã công khai bày tỏ mong muốn cung cấp cho Việt Nam vũ khí nhằm ngăn chặn các xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc... Chỉ cần Việt Nam bảo vệ được chủ quyền của mình trên hai quần đảo này là góp phần giải quyết phần quan trọng của vấn đề Biển Đông”.

Gắn liền với “cơ hội” này, theo họ đương nhiên là “cơ hội” để Việt Nam chuyển sang chế độ “dân chủ”, “đa nguyên” với những tiêu chí sau: “tự do lập hội: lập Công đoàn độc lập; thực hiện chế độ “đa đảng”; “tự do ứng cử, bầu cử chọn đảng thành lập chính quyền”; xây dựng nhà nước pháp quyền “tam quyền phân lập”; bảo đảm quyền “tự do ngôn luận” – báo chí tư nhân”… Có lẽ đến đây thì bạn đọc đã rõ thực chất những “bức xúc”, bản chất “lòng yêu nước” của họ là gì? Có thể nói đây là thủ đoạn chính trị thâm độc, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta để hạ thấp, xuyên tạc, bôi nhọ vai trò lãnh đao, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nham hiểm của thủ đoạn này là người ta đã chọn một thời điểm nhạy cảm để tác động vào tâm trạng của người dân nhằm chuyển hóa xã hội ta sang mô hình xã hội “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên” ngoại nhập…, là cốt lõi của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trở lại vấn đề “cơ hội” của cách mạng Việt Nam, những người có kiến thức và cách nhìn nhận khách quan về lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX thì đều có thể thấy rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đã tận dụng được nhiều cơ hội để đưa cách mạng nước ta tiến lên, hạn chế những tổn thất cho dân tộc. Chẳng hạn, chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp, Nhật đầu hàng Đồng Minh, nhân dân ta đã dùng bạo lực chính trị tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, 1945, thiết lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước khi quân Đồng Minh vào Việt Nam. Hoặc tranh thủ thời cơ các nước XHCN đoàn kết, thống nhất Đảng ta đã lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để nắm bắt được cơ hội này, Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới (mở đầu từ 1986 đến nay) đã nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập,  tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”; Việt Nam mong muốn  “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, 2011, Tr 46,  83). Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước. Trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hiện nay Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (khóa 2014-2016).

Để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ về chính trị; đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Trên lĩnh vực quân sự đó là thực hiện chính sách: không tham gia các liên minh quân sự, không để cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Nguyên tắc trên không chỉ là đường lối chính trị, chiến lược quốc phòng, an ninh mà còn là bản lĩnh, là phẩm giá của dân tộc ta.  

Vọng Đức
.
.
.