Châu Âu vẫn nóng dần lên

Chủ Nhật, 08/06/2008, 13:15
Không chỉ trên đấu trường EURO 2008 nhiệt độ mới đang nóng dần lên theo những trận thư hùng quyết liệt giữa các đội tuyển bóng đá châu Âu. Trong tuần, trên chính trường "lục địa cũ" cũng xuất hiệu không ít dấu hiệu về việc tâm lý căng thẳng trong mối quan hệ giữa các quốc gia đang gia tăng.

Nhìn nhận một cách công bằng, nhiều nước châu Âu hiện đang muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau trong những nỗ lực đảm bảo an ninh và những điều kiện cần thiết khác để gia tăng cơ hội phát triển.

Trong chuyến thăm Hy Lạp ngày 6/6, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong bài phát biểu trước Quốc hội ở đây đã thêm một lần tuyên bố rằng, vẫn như trước đây, sau khi nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/7 tới, Paris sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực xây dựng một chính sách phòng thủ chung của khối này.

Ông Sarkozy cho rằng, với tư cách là một trong những khu vực giàu nhất thế giới, EU có nghĩa vụ duy trì vị thế không mạnh về kinh tế mà còn phải tạo được cả ảnh hưởng lớn về chính trị trên trường quốc tế và đặc biệt là phải có khả năng tự bảo vệ mình.

Nói vậy nhưng nguyên thủ quốc gia Pháp cũng không thể không quan tâm tới quan điểm của người đồng minh siêu cường bên kia bờ Đại Tây Dương, lúc nào cũng lo lắng "lục địa cũ" vượt ra khỏi tầm chi phối của mình.

Vì thế, cũng tại Hy Lạp, ông Sarkozy đã phải nhấn mạnh thêm rằng, chính sách phòng thủ chung của EU "không và sẽ không bao giờ cạnh tranh với vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương - NATO".

Thế nhưng, chính thái độ có phần lụy Washington của nhiều nước châu Âu như thế đã là một trong những nguyên nhân đang gây nên những chia rẽ ngày một trầm trọng ở "lục địa cũ".

Một mặt, không ít quốc gia ở châu Âu muốn tận dụng uy và lực của Mỹ để gia tăng thêm độ an ninh cho mình mà không phải tốn thêm chi phí quân sự. Nhưng mặt khác, các công dân các nước châu Âu cũng muốn bảo vệ quyền tự chủ và sự độc lập thỏa đáng của mình.

Đây chính là điều lý giải tại sao ở không chỉ một nước châu Âu đã chấp nhận để Washington triển khai những bộ phận cấu thành trong Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ đang dấy lên các phong trào phản đối việc này.

Tại Cộng hòa Czech theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội Czech công bố ngày 4/6, hiện đang có tới 68% số dân kiên quyết phản đối triển khai trạm radar phát hiện tên lửa đánh chặn tại nước này, tăng 5% so với tháng 4 và tăng 3% so với tháng 3 năm nay. 72% số dân tại Czech cho rằng cần tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc có cho phép Mỹ triển khai trạm radar trên tại đây hay không. Cũng tại Czech hiện đang diễn ra một cuộc "tuyệt thực tiếp sức" vô thời hạn của các nhà chính trị, văn nghệ sĩ và trí thức để phản đối kế hoạch triển khai một phần hệ thống NMD ở đây. Khá đông người dân Czech rất đồng tình với hành động này.

Ngay ở Ba Lan, nơi các cơ sở NMD đang được chuẩn bị triển khai, dư luận vẫn rất lo ngại về những hệ lụy tiêu cực có thể nảy sinh, đặc biệt là những phản ứng không đồng thuận từ phía quốc gia láng giềng hùng hậu là Liên bang Nga.

Washington đã đạt được đồng tình của Warsawa về việc sẽ triển khai 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và một trạm radar để phát hiện tên lửa đạn đạo của đối phương và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn tại Czech...

Để xoa dịu những mối bất bình dễ hiểu phía Moskva, ngày 3/6, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan phụ trách thương lượng với Mỹ về kế hoạch triển khai NMD, ông Witold Washikovsky, đã tuyên bố rằng, Ba Lan có thể sẽ chấp nhận để các chuyên gia Nga đến kiểm tra định kỳ những cơ sở thuộc NMD sau khi chúng được triển khai trên lãnh thổ  nước này. Ba Lan cũng có thể sẽ đồng ý cho lắp đặt cái gọi là các hệ thống theo dõi điện tử tại những cơ sở thuộc NMD...

Không phải bây giờ mà đã từ lâu rồi, phương Tây đã hiểu rằng, trong rất nhiều công chuyện quốc tế, cả ở tầm thế giới và đặc biệt là ở tầm châu Âu, không thể có được một phương án ổn thỏa nếu không tính đến thái độ của Moskva. Kế hoạch mở rộng NATO hiện nay cũng đang diễn ra rất trục trặc cũng chỉ vì Moskva không muốn nhìn thấy mình bị bao vây một cách cận kề như thế.

Ngày 5/6, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev trong chuyến thăm chính thức nước Đức đã thẳng thắn tuyên bố rằng, quan hệ song phương Nga - NATO chắc chắn bị huỷ hoại một khi NATO vẫn tiếp tục muốn kết nạp thêm những quốc gia như Ucraina hay Gruzia làm thành viên.

Theo ông Medvedev, hiện nay đang là một giai đoạn phát triển khác của châu Âu và thế giới nên không thể tiếp tục duy trì lối tư duy và cách hành động quá rạch ròi bạn thù ở châu Âu như trong thời "chiến tranh lạnh". Nguyên thủ quốc gia Nga đề xuất soạn thảo một hiệp ước an ninh toàn diện mới tại châu Âu, thay thế các hiệp ước trước đây...

Quan điểm này của Moskva lại được ông Medvedev nhắc lại ngày 6/6 tại hội nghị không chính thức của các nhà lãnh đạo các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở "kinh đô phương Bắc" bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Peterburg lần thứ 12 cũng đang diễn ra tại đó.

Nguyên thủ quốc gia Nga đã thẳng thắn tuyên bố rằng, sẽ là sự vi phạm đối với Hiệp ước hữu nghị giữa Nga và Ucraina nếu Kiev gia nhập Tổ chức NATO.

Và quán triệt quan điểm của Điện Kremli, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng cảnh báo Gruzia không nên gia nhập NATO vì việc đó "sẽ không giúp ích cho việc giải quyết cuộc xung đột giữa chính quyền Tbilisi với vùng Abkhazia ly khai"...

Mối quan hệ giữa Nga với Ucraina và Gruzia trong thời gian qua liên tục có những sự cố do thái độ có vẻ như "hướng Tây" quá mạnh của những nhà lãnh đạo chủ chốt ở Kiev và Tbilisi... Xưa nay, những chuyện "bán láng giềng gần, mua thân hữu xa" thường không mấy khi dẫn tới những chuyện hay ho, đơn giản vì "nước xa khó cứu được lửa lần".

Đành rằng, quốc gia nào cũng muốn tạo dựng những điều kiện quốc tế hợp có lợi ích lớn nhất đối với mình. Nhưng một khi mình làm lợi cho mình mà để những người ở xung quanh cảm thấy họ bị thiệt hại hơn vì thế thì chắc chắn không thể nào giữ được hòa khí. Nhiều khu vực ở châu Âu hiện nay đang ở trong tình trạng này

.
.
.