Chất lượng trả lời kiến nghị cử tri chưa cao

Thứ Tư, 17/05/2017, 09:49
Ngày làm việc thứ 2, phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri.

Trong số này, 94% (3.119/3.320 kiến nghị) liên quan đến hoạt động điều hành của Chính phủ, tập trung chủ yếu vào 9 nhóm vấn đề: về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; về văn hóa, giáo dục, y tế; về kế hoạch, tài chính; về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; về giao thông vận tải, xây dựng; về tài nguyên và môi trường; về tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính và về thanh tra, kiểm tra xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cử tri đề nghị có giải pháp quyết liệt, hiệu quả đấu tranh phòng, chống thực trạng này; tăng cường thanh tra vụ việc, thanh tra đột xuất, kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm đặc biệt là thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng nhiều công trình đầu tư dàn trải, thiếu kiểm soát, kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí.

Cử tri cũng cho rằng, việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân theo quy định của pháp luật tại nhiều nơi, đặc biệt là ở cấp xã/phường, quận/huyện, còn chưa được coi trọng dẫn đến việc xử lý các khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt trong lĩnh vực thu hồi đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài có dấu hiệu gia tăng,...

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng đã tập hợp các kiến nghị được giải quyết xong dưới hình thức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đơn cử, năm 2016, toàn ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm về quản lý kinh tế với số tiền 59.403 tỷ đồng, 4.000 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 37.957 tỷ đồng, 1.267 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 21.446 tỷ đồng, 2.735 ha đất; ban hành 162.894 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.763 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 90 vụ việc, 138 đối tượng,... 

Bộ Y tế đã kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm trong quá trình phục vụ người bệnh, trong đó, buộc thôi việc 13 cán bộ, khiển trách 213 cán bộ, điều chuyển công tác 8 cán bộ, cắt thi đua 78 cán bộ; đình chỉ 42 cơ sở khám chữa bệnh...

Bộ Nội vụ đã thực hiện 34 cuộc thanh tra liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại 12 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm như: bổ nhiệm cán bộ khi chưa được quy hoạch, chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về độ tuổi, trình độ lý luận chính trị, không đúng chuyên môn, thiếu kê khai tài sản,...

Hiện vẫn còn 460 kiến nghị của cử tri đang được các bộ, ngành nghiên cứu để “tiếp tục giải quyết trong thời gian tới”, nhưng không nêu lộ trình giải quyết.

Về tồn tại, hạn chế trong giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện cho rằng: Nhiều hạn chế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại báo cáo giám sát kỳ trước nhưng chậm được khắc phục, chẳng hạn như hiện tượng các Bộ quá chú trọng tới số lượng (để tránh tồn đọng), dẫn đến mặc dù số kiến nghị được trả lời là rất lớn (3.119 kiến nghị) nhưng chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao (trong đó 68% kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin), cá biệt có văn bản trả lời cho xong trách nhiệm nên nội dung trả lời còn chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu, chưa phù hợp với quy định pháp luật...

Đóng góp vào báo cáo này, ông Hà Ngọc Chiến nêu một thực trạng là “văn bản trả lời thì có, nhưng bao nhiêu văn bản đến được với người hỏi? Trong chỉ đạo cần khắc phục tình trạng này, bởi đầu kỳ họp ta tiếp xúc cử tri tại một điểm, cuối kỳ lại tiếp xúc ở điểm khác. Phản hồi của cử tri về việc các văn bản trả lời đã thỏa đáng chưa chúng ta cũng không có”.

Ngoài ra, ông Hà Ngọc Chiến còn cho rằng, cần tăng cường tiếp xúc chuyên đề, theo cụm dân cư (tổ dân phố, xóm, liên xóm) để khắc phục tình trạng tiếp xúc “cử tri chuyên nghiệp”.

“Tôi đã từng hỏi cán bộ xã là nếu không gửi giấy mời đích danh, mà chỉ thông báo ngày giờ này đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thì có ai đến không? Cán bộ xã bảo chắc không ai đến, nên vẫn phải gửi giấy mời, phải phát tiền. Cần khắc phục tình trạng này” - ông Chiến nhấn mạnh.

Vũ Hân
.
.
.