Chân tướng của một người khoác áo "dân chủ"

Chủ Nhật, 10/04/2005, 19:28
Thời gian gần đây, trên mạng Internet xuất hiện một số bài viết theo kiểu "bày tỏ ý kiến" ký tên Trần Khuê. Quả thực đây là những lời loạn ngôn và mang nặng sự hằn học, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành quả của công cuộc đổi mới xây dựng đất nước.

Và không chỉ dừng ở đấy, kẻ loạn ngôn này còn đòi lập hội nọ, hội kia, đòi mở rộng "dân chủ" theo kiểu vô chính phủ. Điều đáng chú ý là một số tổ chức phản động lưu vong tại nước ngoài ra sức tung hô cho Trần Khuê. Vậy Trần Khuê là người như thế nào?

Tôi quen biết một số người thân của Trần Khuê từ lâu và thực sự là cũng có quan hệ lân lý, dù là “bắn đại bác mới tới”. Đó là những người đáng kính trọng bởi trong mọi công việc họ làm đều rất lương thiện và có những đóng góp nhất định cho xã hội. Trong gia đình cũng có người đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ đất nước. Chính vì thế mà về sau này, tôi cứ tự hỏi: “Tại sao một gia đình có truyền thống tốt đẹp như vậy lại nảy nòi ra một người như Trần Khuê nhỉ. Chả lẽ bao nét tốt  thì mọi người thừa hưởng, còn cái gì quái gở nhất thì dồn cho Trần Khuê? Đúng là cây đẹp nhưng vẫn có khi có cành bị sâu ăn”. 

Những việc làm phản dân hại nước của Trần Khuê đều bị mọi người trong gia đình lên án. Nhưng khổ một nỗi, Trần Khuê là anh cả, lại không bao giờ biết nghe lời nói phải cho nên mọi người đành  “kính nhi viễn chi”, coi như quỷ thần, kính nhường mà xa lánh.

Lần đầu tiên tôi gặp Trần Khuê vào năm 2001 tại trụ sở Công an quận 5, Tp. HCM, khi ông ta bị công an quận giữ hành chính về tội tán phát tài liệu chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trước ống kính máy ảnh của tôi, ông ta ngồi có điệu bộ như diễn viên và sau đó ông ta bắt đầu cung cấp cho tôi một thông tin mà tôi cùng mấy cán bộ công an quận vô cùng sửng sốt.

Ấy là ông nhờ tôi báo cáo lên các cấp lãnh đạo có thẩm quyền rằng ông ta biết một kho vàng cực lớn của quân Nhật giấu tại một quả núi thuộc tỉnh Bình Thuận. Rằng, theo ông tính toán thì bán số vàng ấy đi, thừa sức trả hết số tiền mà Chính phủ Việt Nam đang vay các ngân hàng thế giới. Rằng, ông ta chỉ mong Nhà nước cho phép ông đứng ra chỉ huy đội quân tìm vàng ấy, và không đòi hỏi chia chác, không cần lương cao bổng hậu mà chỉ mong Nhà nước ghi nhận cho công lao của ông ta...

Nếu như tôi không biết được nhiều chuyện điên rồ của không ít người đã khuynh gia bại sản về đi tìm kho vàng của Nhật thì lúc ấy, tôi sẽ nhảy cẫng lên và hoan hô công dân Trần Khuê. Thú thật là lúc ấy tôi nhìn ông ta như nhìn một người trên giời rơi xuống và tự hỏi: “Hay là ông ta đùa". Nhưng không phải. Gần một tiếng đồng hồ sau, ông ta vẫn nói liên chi hồ điệp về đề tài “kho vàng”, bất cần để ý đến người đối thoại có muốn nghe hay không. Khi anh em công an kiểm kê hết đống tài liệu chứa trong hai bao tải và yêu cầu ông ta ký biên bản thì ông ta mới sực tỉnh “giấc mộng kê vàng” và dở ngón võ cùn là... không ký.

Nghe ông ta nói, nghe những lập luận “đầu Ngô mình Sở” của ông về một số vấn đề chính trị của đất nước, và nhất là khi ông ta lên tiếng chê bai cách “nghiên cứu” của Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính... thì tôi đâm ngờ và tự hỏi mình rằng: "Này, hay là thần kinh ông ta có vấn đề? Chả lẽ một người vẫn tự cho mình là trí thức lại có thể “chập cheng”, tin vào cái kho vàng ấy đến thế”.

Nhưng rồi về sau này, tiếp xúc với nhiều tài liệu và với những chứng cứ minh bạch về hành vi phạm tội của ông ta thì tôi mới thấy ông ta không  “chập cheng”, nhưng huyễn hoặc, háo danh và đầy tham vọng cá nhân. Và hình như đó cũng là căn bệnh của một số người đang hò hét phải mở rộng “dân chủ”, phải chống tham nhũng...  Nhưng chính họ thì đang ngửa tay đi nhận từng đồng đôla bố thí của những tổ chức phản động lưu vong hoặc từ một vài tổ chức phi chính phủ mà mục tiêu của họ không có gì khác ngoài kiểu “thọc gậy bánh xe”.

Năm nay, Trần Khuê cũng vào tuổi thất thập, nhưng còn khá khỏe mạnh. Bằng chứng là từ  khi được ra tù vào cuối năm 2004, Trần Khuê lại vào Nam ra Bắc, gặp gỡ một vài đối tượng cùng hội cùng thuyền và trong đầu vẫn đầy ắp những tham vọng chính trị khôn cùng.

Từng là một giáo viên dạy văn và cũng là người đọc lắm, hơn nữa lại có khẩu khí cho nên không ít người khi nghe Trần Khuê nói chuyện đã phải công nhận là ông ta trình bày vấn đề khá mạch lạc và cũng có nét mới. Tuy nhiên, Khuê là người mắc bệnh vĩ cuồng cho nên ngay từ những năm 1964 - 1968, Khuê đã bộc lộ nhiều quan điểm sai trái đối với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Công an tỉnh Hà Nam thời đó đã cảnh cáo ông ta.

Từ năm 1998, khi có vài bài báo nghiên cứu lịch sử được đăng trên một số tạp chí chuyên nghành, Trần Khuê tự coi mình là nhà nghiên cứu có tiếng. Được vài người như Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Thích Quảng Độ, Nguyễn Đan Quế tung hô và kích động, Trần Khuê càng thấy mình là “sao”. Thế rồi khắp từ Nam chí Bắc, đi tới đâu, gặp ai Trần Khuê cũng thuyết trình “ý tưởng”. Mà nội dung cơ bản những “ý tưởng” đó là gì?

Không có gì khác ngoài đòi phải xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; phải lập một hội chống tham nhũng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đòi thay đổi thể chế chính trị hiện nay; xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Rồi không chỉ dừng ở đó, Trần Khuê còn cho in và tán phát nhiều  tài liệu xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước. Mặc dù được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục nhiều lần, nhưng chứng nào tật ấy, Trần Khuê vẫn tiếp tục thu thập thông tin để biên soạn, tán phát nhiều tài liệu chống chính quyền.

Không chỉ có thế, Khuê còn bắt tay với một số nhóm phản động lưu vong tại Mỹ, Australia, để nhận sự chỉ đạo của các nhóm này cũng như nhận tiền để tiến hành “mở rộng tổ chức”. Có tiền, Khuê mua máy tính, lập trang web với cái tên “Hội chống tham nhũng”. Rồi Trần Khuê đã chuyển và gửi tài liệu cho các tổ chức phản động qua mạng Internet. Thực tế thì Trần Khuê cũng đã trao đổi thông tin bằng thư điện tử cho cả những người không quen biết với mục đích nhờ họ “nhân” tài liệu cho mình.

Từ thu thập được những thông tin theo kiểu "nghe hơi nồi chõ” và thêm vào đó là những suy diễn chủ quan đầy ác ý với với chính quyền, Trần Khuê viết như điên và rặt một giọng điệu chửi bới, hằn học, vơ đũa cả nắm. Khuê liên tục gửi bài cho các đài BBC, RFA, BOLSA, báo Thông luận của tên phản động lưu vong Nguyễn Gia Kiểng, báo Con Ong, báo Việt luận... thực chất rất nhiều những bài báo mà Khuê gửi cho các nơi này là tài liệu chứ chẳng có tí gì dính đến báo chí cả. Để kích động Trần Khuê, Tổ chức quan sát nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) đã gửi cho Khuê 2.000 USD.

Về việc này, Trần Khuê đã thú nhận: “Còn về việc Tổ chức quan sát nhân quyền tặng giải thưởng cho tôi, đó là nhằm phục vụ ý đồ chống phá Việt Nam của họ” (Trích bản tường trình ngày 21/4/2003). Ngoài ra, Khuê còn hợp tác với một số đối tượng  của cái tổ chức gọi là “đảng Nhân dân hành động”. Đây là một tổ chức phản động lưu vong tại Mỹ và có nhiều hoạt động thù địch chống phá Việt Nam. Khuê quan hệ khá mật thiết với một trong những người cầm đầu tổ chức này cho nên đã thường xuyên chat với nhau để trao đổi thống nhất đường lối đấu tranh nhằm phá hoại công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Năm 2002, theo sự chỉ đạo của gã này, một Việt kiều Mỹ tên là Tâm đã đến nhà Khuê để truyền đạt những ý kiến có tính chất chỉ đạo về phương thức đấu tranh đòi mở rộng dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Trần Khuê còn có ý đồ và mong muốn thông qua tổ chức này để làm cầu nối với năm nhóm thân Mỹ đang được Chính phủ Mỹ sử dụng như những con bài chính trị nhằm “rút ngắn” quá trình “dân chủ hóa” tại Việt Nam, đó là các nhóm của Nguyễn Đình Việt, Dương Việt Quốc; Vũ Bảo Kỳ, bà Nina Trần, Nguyễn Văn Hạnh. Để khuyến khích Khuê hăng hái hơn, tổ chức “đảng Nhân dân hành động” đã gửi cho Khuê 7.500 USD.

Rồi Khuê cũng gặp gỡ Nguyễn Gia Kiểng là kẻ cầm đầu nhóm Thông luận ở Pháp; Nguyên Khả Phạm Thanh Chương là kẻ tham gia tổ chức phản động “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng” của Hoàng Cơ Minh... Khuê và Chương thống nhất với nhau tập hợp và chuẩn bị lực lượng, soạn thảo cương lĩnh và kế hoạch cho tổ chức chống tham nhũng... Chúng lên kế hoạch như thế này:

- "Lập Liên minh các nhân vật đối kháng, ít mặt nổi, tạo điều kiện cho các vị ngồi ký chung, nói chung.

- Các vị sẽ hành sự theo khu vực mình ở, gặp nhau thường xuyên theo lệ mỗi tuần một lần, viết, nói, chụp hình và tán phát lên mạng".

Rồi Chương và Khuê còn bàn với nhau về cách thức trao đổi tài liệu chế độ bảo mật, tạo nguồn tài chính v.v... Khi Nguyên Khả Phạm Thanh Chương bị Cơ quan Công an giữ, tôi cũng đã gặp và rất ngạc nhiên khi thấy gã này có khuôn mặt khá giống Trần Khuê và cũng thuộc loại loạn ngôn.

Từ tháng 8-2001, Khuê được gặp trực tiếp Phó tổng lãnh sự Mỹ Albrysh rồi Thượng nghị sĩ Mỹ Christ Smit và thư ký của Thượng nghị sĩ Grove Rees (là những cá nhân đang có những hoạt động nhằm thu thập tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam) thì Khuê tưởng mình đã là ghê gớm lắm và cho rằng được Mỹ giúp sức thì làm gì mà chả được, (tuy vậy, trong cuộc họp gần đây với  lãnh đạo Bộ Công an, ông Michael Marine, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã nói rằng không biết Trần Khuê là ai cả).

Nhận thấy những hoạt động của Trần Khuê ngày càng táo tợn, manh động và đã xâm hại đến an ninh quốc gia. Ngày 28/12/2002, Cơ quan An ninh đã quyết định khởi tố và bắt Trần Khuê để đưa ra xét xử. Khám nhà Khuê, Cơ quan Công an thu được 90 đầu tài liệu của Khuê và các đối tượng khác đồng thời cũng thu thập được nhiều tài liệu và những chứng cứ quan trọng về việc Trần Khuê nhận tiền của các tổ chức phản động lưu vong như Hoàng Duy Hùng, Nguyên Khả Phạm Thanh Chương, Nguyễn Sĩ Bình...

Ngày 9/7/2003, TAND Tp. HCM đã xét xử Trần Khuê và kết án 19 tháng tù. Sau khi ra tù, những tưởng Trần Khuê sẽ nhận ra các sai phạm của mình và từ bỏ con đường phản dân hại nước, nhưng không, vẫn “ngựa quen đường cũ” Khuê lại tiếp tục gặp gỡ, câu kết với các đối tượng phản động bên ngoài như Nguyễn Sĩ Bình và một số đối tượng trong nước nhằm tiếp tục chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam.

Mặc dù thời kỳ đầu Trần Khuê đã từng tung hô một số nhân vật như Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, Phạm Hồng Sơn, Hà Sĩ Phu... đồng thời cùng với họ thành lập trao đổi, bàn bạc khá là “tâm đầu ý hợp”.  Tuy cùng hội cùng thuyền với nhau nhưng khi “lâm sự” thì Khuê cũng không ngần ngại gì mà trút tội cho họ. Khuê khai rằng: “Việc các ông Hoàng Minh Chính đưa các tác phẩm của tôi như “Đối thoại 2001”, “Chỉnh đốn để tồn tại” lên mạng Internet để chuyển ra nước ngoài cả hai ông đều không trao đổi và không hỏi ý kiến của tôi...

Riêng trường hợp ông Phạm Thanh Chương thì tôi thấy ông ta cắt xén tác phẩm của tôi nên tôi yêu cầu ông ta đính chính lại cho đúng nguyên văn...” (Bản tường trình ngày 8-4 năm 2003).  Sau này, nhất là từ khi ra tù, Khuê thấy mình nổi tiếng hơn họ nên ông ta càng không coi các bậc “sĩ phu” trên là cái đinh gì. Dưới con mắt của Khuê thì những nhân vật như Thanh Giang, Hoàng Minh Chính chỉ là “hữu danh vô thực”, nói lắm mà chả làm được cái gì cả. Khuê luôn cho rằng chỉ có ông ta mới “ xứng đáng" làm thủ lĩnh (?). Thấy tham vọng của Khuê là vô tận, hơn nữa cũng là loại  suy nghĩ nông cạn, hoang tưởng, cho nên chính họ cũng xa lánh Trần Khuê.

Đọc các tài liệu, bài viết của Trần Khuê thì thấy ông ta luôn tự tô vẽ mình cho rằng chỉ có ông ta mới “trong sạch” và “tâm huyết” với vận mệnh của đất nước. Tuy nhiên với cái kiểu “tâm huyết” mà lại ngoắc tay với các nhóm phản động lưu vong nước ngoài để âm mưu thành lập các tổ chức đối lập thì rõ ràng không thể chấp nhận được.

Từ lâu nay, Đảng và Nhà nước luôn trân trọng những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của mọi công dân đối với công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Ngay như Trần Khuê chẳng hạn, cũng đã có lần Hội đồng lý luận Trung ương gồm những giáo sư, những nhà lý luận có danh tiếng đã tổ chức tiếp Trần Khuê và nghe ông ta trình bày những vấn đề mà ông ta đang tâm huyết. Và tại cuộc gặp này các nhà lý luận đã phân tích cho Trần Khuê thấy những điểm vô lý, những quan điểm sai trái và những điểm không thực tế trong một số vấn đề mà Trần Khuê trình bày.

Thực tế cho thấy, hiện nay, một số quốc gia phương Tây vẫn chưa từ bỏ những mưu đồ làm suy yếu nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và những người như Trần Khuê đang là  tên lính xung kích của họ.

Cũng có người cho rằng Trần Khuê mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng chi phối, nên “chấp làm gì”. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải có thái độ đối với những người như thế này. Nếu bị bệnh thì đưa đi viện chữa trị, còn nếu không, thì phải xử lý bằng pháp luật

.
.
.