‘Cha tôi - Tổ trưởng Điệp báo đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin’

Thứ Hai, 13/07/2015, 08:07
Cách đây 65 năm, ngày 27/9/1950 tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, Điệp báo Nha Công an Trung ương phối hợp với Công an Thanh Hoá đã lập chiến công vang dội, đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp tại biển Sầm Sơn. Trong trận đánh lịch sử đó, không thể không nhắc đến vai trò đặc biệt quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của điệp báo viên Nguyễn Văn Hoàng (tức Hoàng Đạo, bí số A13), nguyên Trưởng ty Công an Thanh Hóa...

Trung tuần tháng 6/2015 vừa qua, tôi được gặp Thiếu tướng Quân đội, Phó Giáo sư – Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Hoàng Đạo, nguyên Giám đốc Bệnh viện 175 thành phố Hồ Chí Minh trong lần ông về Thanh Hóa thăm lại “chiến trường xưa” của ba ông nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống lực lượng CAND. 

Ông chính là con trai cả của điệp báo viên A13 Nguyễn Văn Hoàng (tức Hoàng Đạo, nguyên Trưởng ty Công an Thanh Hóa lúc bấy giờ). Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo nói với tôi rằng: Thanh Hóa là quê hương thứ hai của ông và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của mẹ ông.

Trong chuyến đi này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng Đạo đã đến bờ biển thả hoa để tưởng nhớ những đồng đội của ba ông đã hy sinh để đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp ở vùng biển Sầm Sơn. Ông cũng đến viếng tượng đài nữ Anh hùng Liệt sĩ  CAND Nguyễn Thị Lợi (điệp báo viên A16) - người em gái, người đồng đội của ba ông trong vai “Vợ quốc vụ khanh Hoàng Đạo” đã mang valy thuốc nổ xuống Thông báo hạm Amiôđanhvin và anh dũng hy sinh.

Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo chụp ảnh lưu niệm với CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa dưới tượng đài Liệt sĩ CAND Nguyễn Thị Lợi.

Ông cũng xuống thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ bác Trần Văn Quyết - một ngư dân phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, người đã dũng cảm chèo thuyền thúng đưa tổ điệp báo viên A13 và valy thuốc nổ ra biển để đánh đắm Thông báo hạm. Đặc biệt, ông đã đến thăm Đại tá Trần Đình Côn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, một cán bộ dưới quyền và cũng là người đã chứng kiến nhiều về cuộc đời hoạt động cách mạng của ba ông lúc bấy giờ.

Đi đến đâu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng Đạo cũng bồi hồi, xúc động vì những câu chuyện, những chiến công thầm lặng của ba ông để giữ gìn độc lập tự do cho quê hương đất nước và cả những tình cảm chân thành của những người đồng chí, đồng đội đã từng sống, chiến đấu và hoạt động cách mạng cùng thời với ba ông. Những câu chuyện ấy làm ông càng thêm thương nhớ và tự hào về ba ông – một người con của tỉnh Bình Dương đã ra Thanh Hóa để chiến đấu và hoạt động tình báo trong lòng địch.

Đại tá Trần Đình Côn, nguyên Giám đốc Công an Thanh Hóa đang kể lại những kỷ niệm về người cha của Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo.

Trong câu chuyện với tôi, Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo nói: “Sở dĩ chú ra Thanh Hóa thăm lại nơi ba chú đã từng chiến đấu vào dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống CAND là vì năm nay chú cũng tròn 70 tuổi con ạ. Ba chú bảo, ông lấy tên chú để làm “bí danh” hoạt động trong lòng địch vì ông muốn sau này người ta nhắc tên ông nhưng lại là tên của chú và chú phải xứng đáng với “bí danh” ấy của ông.

Trong gia đình chú có 5 anh chị em, chú là anh Cả nhưng lại là người duy nhất ở bên lực lượng Quân đội, 4 người em của chú toàn bên ngành Công an. 9 tuổi, chú đã được Nhà nước cho đi học trường Thiếu sinh quân tại Trung Quốc, sau đấy về học trường học sinh miền Nam tại Hà Nội.

Năm 1964, chú vào hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên - Huế và bị thương tại mặt trận Khe Sanh. Sau đó, chú được về Bắc và học tập tại Học viện Quân y. Và như con thấy, trước khi nghỉ hưu chú là Giám đốc Bệnh viện Quân đội 175 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, chú đã phẫu thuật và cứu sống hàng trăm con người.

Cả cuộc đời chú phấn đấu, cống hiến cho đất nước, cho cách mạng nhưng chú thấy chú vẫn chưa xứng đáng với những công lao của ba chú. Cuộc đời cách mạng của ba chú như một bản anh hùng ca, có nhiều chiến công sáng chói trong lịch sử cách mạng của đất nước nhưng không bao giờ ông muốn được ca ngợi, tuyên dương, khen thưởng công trạng. Bản thân ba chú là người đàn ông mang đậm tính cách của con trai Nam Bộ: Tự nhiên, cởi mở, phóng khoáng, bộc trực… nhưng ông lại không thích nói nhiều về thành tích của cá nhân mình”. Nói đến đây, giọng bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo như nghẹn lại.

65 năm đã qua, người Tổ trưởng điệp báo mang bí danh A13 với chiến công vang dội đánh chìm Thông báo hạm Amiôđanhvin của thực dân Pháp năm nào, một vị Trưởng ty Công an Thanh Hóa đáng kính và cả những đồng đội của ông mãi mãi là một bản anh hùng ca trong lịch sử CAND nói chung và Công an Thanh Hóa nói riêng. Tiếp nối truyền thống của người cha Anh hùng ấy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng Đạo cũng là tấm gương sáng về sự cống hiến, hy sinh để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Ông xứng đáng là con trai của điệp báo viên A13 lừng lẫy năm nào.

Với tấm lòng kính trọng của một người cháu thuộc thế hệ sau đối với những người đã cống hiến gần cả cuộc đời để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, tôi viết bài viết này xem như là một tri ân đối với các bậc lão thành của lực lượng CAND mà cuộc đời và nhân cách của họ đáng để chúng ta phải học tập và noi gương.

Thái Thanh
.
.
.