“Lọc” các dự án EPC từ Trung Quốc:

Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm những đối tác của Việt Nam tham nhũng

Thứ Hai, 22/07/2019, 18:12
Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 22-7.

 

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, thu hút FDI đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng bốn năm trở lại đây, trong đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, với tổng vốn đăng ký cấp mới lên tới 1,56 tỷ USD, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

“Vốn FDI từ Trung Quốc đang chảy mạnh vào Việt Nam. Sự hiện diện của Trung Quốc vào Việt Nam rất rõ ràng, nhưng vốn FDI không phải là yếu tố chính. Vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chưa có gì nổi bật, nổi trội so với các nước có truyền thống đầu tư vào Việt Nam vì Trung Quốc chưa có sự khác biệt lớn với Việt Nam về công nghệ, trình độ. 

Song, khảo sát cho thấy, EPC mới là lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc làm tốn giấy mực của chúng ta trong thời gian qua”- TS Nguyễn Đức Thành- viện trưởng Viện VEPR cho biết.

Tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông do tổng thầu Trung Quốc thi công có nhiều vi phạm

Chia sẻ sâu hơn, TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR cho biết, Hợp đồng Thiết kế – Cung ứng vật tư, thiết bị – Xây dựng (viết tắt theo tiếng anh là Hợp đồng EPC) hay hợp đồng chìa khóa trao tay là sự thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa Chủ đầu tư dự án với một Nhà thầu hoặc một liên danh Nhà thầu (được gọi chung là Tổng thầu EPC) để thực hiện các công việc về thiết kế – cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật – xây dựng và lắp đặt của một dự án hay của một gói thầu. 

Hiện nay có 3 vấn đề chính liên quan tới các nhà thầu Trung Quốc: Chậm tiến độ; vấn đề kỹ thuật và tác động môi trường. Cụ thể, gần 70% dự án EPC của Trung Quốc chậm tiến độ. 

“Đơn cử, nhà máy nhiệt điện Hải Dương: ký kết hợp đồng EPC năm 2015 và tới 2019 mới chỉ đạt 30% tiến độ công việc. Hay về thủy điện, có 25/86 dự án thủy điện chậm tiến độ, trong đó có 8 trường hợp có nguyên nhân chậm tiến độ là do nhà thầu. 

Trong 8 trường hợp đó, có 5 trường hợp có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc. Thủy điện An Khê – Kanak do nhà thầu Trung Quốc cung cấp thiết bị kỹ thuật và xây lắp đã chậm tiến độ 2 năm. Thủy điện Thượng Kon Tum nhà thầu Trung Quốc thiếu thiện chí, chậm tiến độ thi công buộc chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và phải tham gia quá trình tố tụng dai dẳng, tốn kém, nguy cơ tiếp tục làm chậm tiến độ tổng thể của dự án”, TS. Phạm Sỹ Thành nêu dẫn chứng.

Về vấn đề kỹ thuật, ví dụ nhà máy Cẩm Phả kể từ khi vận hành vào năm 2011, nhà máy đã xảy ra nhiều sự cố với hậu quả kinh tế nghiêm trọng như xảy ra sự cố cháy nổ ở phòng ắc quy, cánh quạt của tổ máy phát điện 1 bị hỏng, phải vận chuyển sang Trung Quốc để sửa chữa khiến Nhà máy phải dừng hoạt động trong 6 tháng, giảm 50% sản lượng điện. 

Còn về tác động môi trường, trong số 30 nhà máy đang vận hành, 19 (63.3%) nhà máy có các phản ánh về vấn đề môi trường. Số lượng nhà máy có ghi nhận về tác động môi trường theo quốc gia có tới 74% nhà máy của Trung Quốc...

Ngoài ra, có thể điểm danh hàng loạt dự án khác gặp “sự cố” với nhà thầu Trung Quốc như trường hợp của Đạm Ninh Bình, tổng thầu thi công chậm 420 ngày làm phát sinh khoản chi phí là 527 tỷ đồng, đến nay chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được khoản tiền phạt chậm tiến độ. Đã thế, nhà thầu sử dụng lượng than chạy thử vượt so với hạn mức trong hợp đồng, hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án xử lý dẫn tới hợp đồng EPC không thể tiến hành quyết toán. Hay như Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khởi công từ năm 2007, với thời gian thi công dự kiến 30 tháng nhưng tới năm 2013, dự án vẫn chưa hoàn thành. 

Chủ đầu tư đề nghị nâng tổng mức đầu tư dự án lên 8104 tỷ đồng (tăng 4261 tỷ đồng) và đến cuối năm 2013 thì tổng thầu MCC dừng thi công do phía Việt Nam thiếu vốn, tới thời điểm 2019 dự án vẫn chưa hoàn thành…

Đặc biệt, điển hình là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, có Tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông do tổng thầu Trung Quốc thi công vi phạm các quy định pháp luật như trả lương thấp hơn quy định, không có bảo hiểm cho người lao động, không đạt chuẩn an toàn lao động; chậm tiến độ xây dựng, xảy ra sự cố thiếu an toàn lao động, đấy là chưa kể tổng vốn đầu tư tăng lên so với ban đầu là tăng thêm 315.24 triệu USD. 

Rồi trường hợp trường hợp tuyến cao tốc Quãng Ngãi – Đà Nẵng chất lượng công trình có vấn đề với hàng loạt sự cố như ổ voi, ổ gà, dột thấm, đọng nước do kỹ thuật thấp… cùng với đó là hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý nhà nước, điều chỉnh thiết kế khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng; đội vốn, bán thầu không đúng quy định…

“Đầu tư của Trung Quốc là một khái niệm rộng, không chỉ gồm các hoạt động do Trung Quốc đầu tư mà còn gồm cả  các dự án EPC do Việt Nam vay vốn nước khác (ví dụ như Nhật Bản) nhưng lại do Trung Quốc làm trúng thầu triển khai. 

Vốn Trung Quốc có thể là sự bổ sung quan trọng cho nhu cầu cơ sở hạ tầng của VIệt Nam, nhưng vấn đề chi phí vốn vay của Trung Quốc không rẻ hơn so với các luồng vốn khác vì có nhiều chi phí đi kèm. Dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại gây ra nhiều hệ quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động. 

Các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC sẽ gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như vấn đề tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế. Không thể ngăn chặn vốn Trung Quốc theo đầu vào (đa dạng hình thức) nhưng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu, cần xử lý nghiêm những đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra giám sát không sát sao các công trình cơ sở hạ tầng”, TS Nguyễn Đức Thành khuyến cáo.

Hà An
.
.
.