Cần thí điểm, với bước đi thận trọng đối với hàng hoá quá cảnh

Thứ Ba, 17/09/2019, 16:07
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý Uỷ ban Pháp luật, Chính phủ cần tiếp thu, chịu trách nhiệm hướng dẫn và bảo đảm nguyên tắc như đã nêu là chủ quyền, quyền lợi của nhà nước, quyền lợi của tổ chức, cá nhân, tránh gây thiệt hại cho phía Việt Nam.

Sáng 17-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) để thực hiện Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan.

Tạo thuận lợi hơn nữa cho vận tải hàng hoá quá cảnh

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tờ trình dự thảo Nghị định Quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan nêu rõ, xét về cơ sở thực tiễn, việc xây dựng dự thảo nghị định là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh. 

Bởi lẽ, thực hiện thủ tục theo quy định của Nghị định thư 7 sẽ thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên một hệ thống duy nhất từ nước xuất phát đến nước quá cảnh và đến nước cuối cùng là điểm đích của hành trình quá cảnh, góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN, phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc hội nhập kinh tế quốc tế, vừa bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Nghị định

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hoá, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam trong vận chuyển hàng hoá quá cảnh. Bảo đảm cam kết của Việt Nam khi tham gia phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN nhằm mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho vận tải hàng hoá quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bảo đảm quyền lợi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan và cụ thể hóa Kết luận của UBTVQH về việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính -Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo thẩm tra

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về cơ sở pháp lý để Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định, bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thảo luận về dự thảo Nghị định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, yêu cầu một mặt đảm bảo tính kết nối thông suốt của ngành Hải quan Việt Nam với các nước khác, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính an toàn của hệ thống thông tin, đảm bảo quyền lợi của quốc gia, của tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Nghị định ban hành phải bảo đảm nguyên tắc như Kết luận UBTVQH tại Phiên họp thứ 12 là “không áp dụng toàn bộ Nghị định thư 7 mà nội luật hóa vào quy định pháp luật Việt Nam, bảo đảm chủ quyền, quyền lợi quốc gia, quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam”.

Đối với 2 nội dung Chính phủ xin ý kiến UBTVQH là cơ chế bảo lãnh, cơ chế đặt cọc và doanh nghiệp được ưu tiên, UBTVQH nhất trí về mặt nguyên tắc, song đề nghị Chính phủ rà lại thẩm quyền quyết định, phê chuẩn điều ước quốc tế thuộc Quốc hội hay UBTVQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý Uỷ ban Pháp luật, Chính phủ cần tiếp thu, chịu trách nhiệm hướng dẫn và bảo đảm nguyên tắc như đã nêu là chủ quyền, quyền lợi của nhà nước, quyền lợi của tổ chức, cá nhân, tránh gây thiệt hại cho phía Việt Nam. Trách nhiệm ban hành Nghị định của Chính phủ, khi Chính phủ ban hành Nghị định phải bảo đảm đúng nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đáng lưu ý, các ý kiến trong UBTVQH cũng cho rằng, cần làm thí điểm, với bước đi thận trọng, rút kinh nghiệm trước khi thực hiện toàn diện.

UBTVQH cũng giao Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục nâng cao năng lực của hải quan, nhất là hải quan điện tử, bảo đảm an toàn, tính kết nối thông suốt, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, lợi dụng quá cảnh để gian lận thương mại. Giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật vừa giám sát, vừa phối hợp với Chính phủ trong quá trình ban hành Nghị định bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật của nước ta.


Phương Thuỷ
.
.
.