Cần những giải pháp mang tính trọng yếu để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp

Thứ Tư, 14/10/2015, 11:02
Sáng 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ 23 nhằm thảo luận, cho ý kiến về đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng CAND” và đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại buổi họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng CAND”.

Với mục tiêu nhằm đánh giá đúng thực trạng, tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng CAND, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, khoa học, có tính khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm từng bước ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng CAND, tiến tới xây dựng nền tư pháp Việt Nam công khai minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, Đề án đã đưa ra những nội dung cơ bản, nguyên nhân của tiêu cực cũng như giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp.

Đề án  gồm 4 mục, sẽ được thực hiện theo lộ trình từ năm 2020 đến năm 2030 và được chia làm 2 giai đoạn. Về phía Bộ Tư pháp, đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình bày đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong các hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý”. Đề án đã nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng đề án; thực trạng tiêu cực trong các hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý; công tác phòng chống tiêu cực; phương hướng nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực và công tác tổ chức thực hiện đề án.

Tại phiên họp, đại diện Thường trực Ban Chỉ đạo đã báo cáo ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo về 2 đề án trên. Đại biểu các bộ, ngành cũng đã đưa ra các ý kiến thảo luận. Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề giải pháp để giảm tiêu cực trong hoạt động tư pháp như đề cao vấn đề xây dựng yếu tố con người; tìm ra các giải pháp mang tính đột phá bên cạnh những giải pháp chung, giải pháp cụ thể; áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp, học tập kinh nghiệm chống tiêu cực của các nước trên thế giới…

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Việc xây dựng các Đề án phải bám sát mục tiêu, tôn chỉ xây dựng nền tư pháp trong sạch, công minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trong các giải pháp được đưa ra trong 2 đề án thì cần xác định rõ các giải pháp mang tính trọng yếu, đột phá, đồng thời quan tâm đến quá trình tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả cũng như giám sát kiểm tra.

Nguyễn Hương
.
.
.