Cần nhận thức đúng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ Hai, 16/09/2013, 09:51
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận từ lâu. Ở nước ta, xuyên suốt các Hiến pháp nước ta, từ Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và Hiến pháp 1992 (kể cả trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Quốc hội đang xin ý kiến toàn dân) quyền này đã trân trọng ghi nhận. Tuy nhiên, nhận thức về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong một bộ phận nhân dân vẫn chưa đầy đủ. Lợi dụng tình hình đó, một số kẻ xấu đã gây ra những bất ổn xã hội. Vụ gây rối trật tự công cộng ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An vừa qua là một trường hợp.
>> Không ai được phép đứng trên luật pháp

Sau vụ việc, nhiều hãng thông tấn nước ngoài, nhất là trên nhiều trang mạng hành nghề chống Cộng đã đưa tin, “bình luận”, vu cáo chính quyền và Công an Việt Nam đàn áp hoạt động tôn giáo “ôn hòa”, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân.

Vậy sự thật như thế nào? Ý đồ chính trị của những kẻ cầm đầu là gì?

Theo các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 3/9, khoảng 1.000 giáo dân đã kéo lên trụ sở xã Nghi Phương, mang theo băng rôn, khẩu hiệu phản đối chính quyền “bắt giữ người trái pháp luật”, đồng thời bao vây, khống chế 6 cán bộ tại phòng làm việc. Tiếp đó, ngày 4/9, một số giáo dân, chủ yếu là phụ nữ mang theo hung khí, kéo vào trụ sở, đòi thả hai bị can là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải (đã bị khởi tố về những hành vi vi phạm pháp luật trước đó).                    

Vào lúc tình hình diễn ra căng thẳng, nhà thờ giáo họ Trại Gáo, Mỹ Yên, rung chuông báo động, hàng trăm giáo dân mang hung khí kéo đến vây kín đoạn đường tỉnh lộ 34 trước trụ sở UBND xã Nghi Phương. Một số đối tượng quá khích đã dùng gạch đá tấn công lực lượng chức năng. Chưa dừng lại ở đó, số đối tượng này còn kích động, xúi giục một số giáo dân bao vây, đánh trọng thương và phá hoại tài sản của gia đình anh Đậu Văn Sơn, “ vì nghi anh đã cho cán bộ vào nhà”.

Trước đó, vào 22/5, một nhóm giáo dân giáo xứ Mỹ Yên đã bắt giữ, đánh đập gây thương tích đối với 3 chiến sỹ Công an Nghệ An đang xuống xã Nghi Phương làm nhiệm vụ. Sau vụ việc đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án hình sự. Khởi tố và bắt tạm giam đối với 2 đối tượng là Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hải đã thừa nhận: “Em nhận thức được hành vi của em là hành vi hoàn toàn vi phạm pháp luật. Xin pháp luật khoan hồng, giảm bớt tội…”.

Còn Ngô Văn Khởi nói: “Việc làm của tôi quá ngông cuồng và sai… Tôi cũng nhắn nhủ với vợ con đừng có gây rối. Đừng gây áp lực với chính quyền. Không nghe lời xúi giục…”.

Như vậy có thể nói, những gì đã diễn ra ở xã xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tương tự như một kịch bản đã chuẩn bị từ trước với ý đồ đen tối. Phần lớn những giáo dân ở đây đã bị những kẻ xấu xúi giục, lợi dụng, kích động và lừa gạt. Chẳng hạn, để kích động giáo dân họ nói: Chính quyền “bắt giữ người trái pháp luật”; để hạn chế hoạt động của lực lượng bảo vệ pháp luật, người ta tổ chức, sử dụng, đẩy nữ giáo dân làm lực lượng tấn công Công an; lợi dụng số đông áp đảo, người ta ép Chủ tịch UBND xã viết giấy cam kết thả người…; khi sự việc diễn ra phức tạp, người ta rung chông nhà thờ để báo động. Khi sự kiện vừa kết thúc, Tòa Giám mục Xã Đoài (Giáo phận Vinh) ra “Thông báo” bóp méo sự thật, xuyên tạc, lên án chính quyền và cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật.

 Thông báo này có đoạn viết: “Chính quyền Nghệ An đã tổ chức hàng trăm Công an, Cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ và “côn đồ”, với các loại vũ khí và chó nghiệp vụ, gây hỗn loạn và đánh đập dã man bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Yên khi họ tập trung ôn hòa trước cổng UBND xã Nghi Phương”… Nhằm kích động tâm lý giáo dân, họ vu cáo: “Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi các lực lượng công quyền tràn vào nhà dân, đập vỡ tượng thánh trên bàn thờ, phá phách bàn thờ tổ tiên, hành hung và bắt người vô tội”. 

 Thực tế cho thấy, hoàn toàn không có chuyện cơ quan chức năng “bắt cóc”, “bắt giữ người trái pháp luật”. Nguyễn Văn Hải, Ngô Văn Khởi đã bị bắt theo đúng trình tự pháp luật; hoàn toàn không có chuyện vô cớ cơ quan chức năng sử dụng lực lượng bảo vệ pháp luật can thiệp, nhằm ổn định trật tự công cộng ở đây; hoàn toàn không có bất cứ chứng cớ nào về việc “Các lực lượng công quyền tràn vào nhà dân, đập vỡ tượng thánh trên bàn thờ, phá phách bàn thờ tổ tiên, hành hung và bắt người vô tội”. Trái lại những ai chứng kiến sự việc, hoặc xem qua clip thì thấy những kẻ quá khích thu gom gạch đá, ném về phía Công an. Còn Công an đã buộc phải lập hàng rào và dùng lá chắn để đối phó.

Vậy ý đồ chính trị sâu xa của những kẻ cầm đầu trong vụ việc này gì?    

- Trước hết, đó là tổ chức gây rối trật tự công cộng, từ đó xuyên tạc, vu cáo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Thứ hai, đó là thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền, các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật với đồng bào Công giáo;

- Và cuối cùng là, từng bước làm giảm niềm tin của đồng bào có đạo đối với Đảng và Nhà nước để đi đến xóa bỏ hoàn toàn chế độ xã hội ta.

Thực tế lịch sử hàng trăm năm qua ở nước ta cho thấy, chưa có chế độ xã hội nào bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo bằng chế độ xã hội ta. Dưới chế độ phong kiến, vào thế kỷ thứ XVII, XVIII, Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh đã từng trục xuất các Thừa sai và đàn áp giáo dân. Dưới chế độ thống trị của Mỹ và tay sai, nhiều tôn giáo đã bị đàn áp, điển hình là cuộc đàn áp Phật giáo ở Sài Gòn và Huế tháng 5 năm 1963. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã phải tự thiêu.

Từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam nhất quán bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH không loại trừ bất cứ một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta… Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Văn kiện Hội nghị lần thứ Bẩy BCHTW (Khóa IX), NXB CTQG, HN, 2003, Tr 48).

 Pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia đều quy định: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải đi đôi với nghĩa vụ tuân thủ quản lý của Nhà nước và pháp luật. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo…”.  Tuy nhiên quyền này “có thể bị giới hạn” để “bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác” (Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, Tr 258). Cái gọi là hoạt động tôn giáo “ôn hòa” mà “Thông báo” của Tòa Giám mục Xã Đoài viết, đã vượt qua “ranh giới đỏ”: gây rối trật tự công cộng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, bắt bớ, đánh đập nhiều người, trong đó có những người đang thi hành công vụ. Bởi vậy những kẻ chủ mưu lợi dụng quyền tự do tôn giáo, lừa gạt, kích động nhân dân trong vụ gây rối ở Nghi Phương, Nghi Lộc phải bị nghiêm trị

Phương Nam
.
.
.