Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Cần làm rõ nội dung về xây dựng công nghiệp an ninh và nguyên tắc kết hợp kinh tế với an ninh

Thứ Ba, 26/02/2013, 15:35
Theo Đại tá, Tiến sĩ Phạm Văn Miên trong dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992, tại Điều 73, Chương IV phải đưa thêm nội dung về xây dựng Công nghiệp an ninh (CNAN) vào nội dung của điều này. Cùng với đó cần bổ sung nội dung về bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nhân viên Công an.

Công nghiệp an ninh (CNAN), một thuật ngữ chưa được nhắc nhiều trong các văn kiện, văn bản của Đảng, Nhà nước và trong thực tiễn đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá mới với Việt Nam và thế giới. Chúng ta có thể tạm hiểu rằng CNAN là một nền công nghiệp phục vụ các nhiệm vụ bảo vệ An ninh quốc gia (ANQG) giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH) cũng như đảm bảo các hoạt động công tác an ninh, theo nghĩa rộng. Như vậy, CNAN vừa mang tính chiến thuật, vừa có tính kĩ thuật; bao hàm cả lĩnh vực khoa học kĩ thuật và công nghệ. Cũng giống như công nghiệp quốc phòng, CNAN là sự phát triển tổng hợp của nhiều ngành kĩ thuật công nghiệp, như cơ khí, chế tạo máy, viễn thông tin học, vật lý, hóa học…

Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc, hay một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore... CNAN rất được chú trọng và có những phát triển từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Rất nhiều những sản phẩm của CNAN được đưa vào áp dụng cho các lĩnh vực trong đời sống xã hội như: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, công nghiệp, thể thao, hải quan, quản lý đánh bắt hải sản, kiểm lâm và cả hàng không, vũ trụ… Trong số đó, nhiều sản phẩm được xuất đi khắp thế giới và có không ít sản phẩm CNAN trở thành ngành mũi nhọn thu về những số lượng ngoại tệ không nhỏ cho một số quốc gia.

Ở Việt Nam, đã từ lâu, Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an đã quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, do những khó khăn về nhiều mặt của nền kinh tế, chúng ta mới tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu trực tiếp, phục vụ nhiệm vụ của lực lượng Công an cũng như công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Hoạt động về các lĩnh vực CNAN hay nói rộng hơn là nền CNAN chưa được đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống cả về lý luận cũng như hoạt động thực tiễn, vì vậy nó chưa thể hiện rõ vai trò với hoạt động của các lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân. Song trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo rất cụ thể về việc nghiên cứu và phát triển CNAN. Mục tiêu trước mắt là phát triển nhanh, hiện đại những lĩnh vực chúng ta đã làm được, vừa phục vụ các hoạt động bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, vừa đáp ứng nhu cầu về an ninh của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Hoạt động này vừa hạn chế phải sử dụng ngoại tệ nhập khẩu một số phương tiện, thiết bị, vừa tăng thêm nguồn thu cho ngân sách an ninh. Đây là chủ trương, quyết sách hết sức đúng đắn và cần thiết trong điều kiện về an ninh thế giới và trong nước như hiện nay.

Bên cạnh việc cần thiết phải xây dựng nền công nghiệp an ninh, tôi cho rằng nguyên tắc về kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, và bảo vệ an ninh với đẩy mạnh phát triển kinh tế cần phải được đặt ra một cách thường xuyên. Thực tế những năm qua, không ít tập thể, cá nhân chỉ chú ý đến mục tiêu phát triển kinh tế đơn thuần; phiến diện rằng chỉ cần phát triển tốt kinh tế thì tất yếu ANTT sẽ được đảm bảo, vì vậy không tính đến việc tác động qua lại của hoạt động kinh tế với bảo đảm an ninh trật tự. Để từng bước khắc phục hạn chế này, đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành trước khi chấp nhận một dự án, phê duyệt xây dựng một công trình, một nhà máy, hay tiếp nhận một sự viện trợ, giúp đỡ vật chất nào đó đều phải xem xét những tác động hai mặt tốt và xấu đến công tác ANTT. Hơn nữa việc xây dựng kết cấu các lĩnh vực, công trình, hạng mục… của kinh tế an ninh phải xem xét đến mối quan hệ với việc đảm bảo công tác an ninh trật tự.

Trong dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992, tại Điều 73, Chương IV đã nêu lên nội dung về xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng... Tôi cho rằng, việc đề cập như vậy là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, tôi đề nghị phải đưa thêm nội dung về xây dựng CNAN vào nội dung của điều này. Cùng với đó cần bổ sung nội dung về bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nhân viên Công an. Với tinh thần đó, tôi đề nghị nghiên cứu sửa lại Điều 73 như sau:

Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội, công an; xây dựng công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp Quốc phòng - An ninh với kinh tế, kinh tế với Quốc phòng - An ninh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, nhân viên Quốc phòng, Công an...

Việc bổ sung như trên không chỉ phù hợp với nội dung ở Điều 69; phù hợp với việc phát triển Quốc phòng, An ninh trước mắt mà còn phù hợp xu thế phát triển tất yếu trong lĩnh vực Quốc phòng – An ninh nhiều năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

P.V.M.
.
.
.