Cần kiệm liêm chính

Thứ Hai, 22/01/2007, 07:56

Trong bài nói tại Trường Công an Trung ương ngày 28/1/1959, Bác thêm một lần lý giải: "Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn".

Một trong những mục đích của cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà Bộ  trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức theo Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị Đảng ta là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức tu dưỡng và rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong lực lượng CAND... Sinh thời, Bác Hồ đã không chỉ một lần nhắc đi nhắc lại rằng, cần, kiệm, liêm, chính là những yếu tố cực kỳ quan trọng để người chiến sĩ Công an của cách mạng rèn giũa mình.

Văn hóa truyền thống phương Đông luôn rất coi trọng bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính. Nói theo cách của Khổng Tử, đó là những phẩm chất tối cần thiết để con người được thực sự là người. Quân tử là phải biết làm tròn phận sự và "tri túc" (biết đủ), không tham những gì không phải của mình, không chối từ sứ mệnh của mình, không làm hại người ngay và không bỏ sót tội lỗi.

Bác Hồ đã lý giải bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính trên một bình diện rộng hơn và dân chủ. Với bút danh Lê Quyết Thắng, Bác Hồ đã viết bốn bài báo trên tờ Cứu Quốc vào giữa năm 1949 rồi sau đó cho xuất bản thành sách. Theo Bác:

 "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông,

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, không thành trời.

Thiếu một phương, không thành đất.

Thiếu một đức, không thành người".

Với văn phong giản dị, Bác đã nêu rõ, có đức tính cần, "thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được". Còn nếu có đức tính kiệm đi kèm đức tính cần, thì "kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới". Đối với lực lượng CAND nói riêng và với các "công bộc" của nhân dân nói chung, Bác Hồ đặc biệt lưu tâm tới hai đức tính liêm và chính. Bác viết:

"Liêm là trong sạch, không tham lam.

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.

Cũng như ngày xưa trung là trung với vua, hiếu là hiếu với cha mẹ mình thôi.

Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM. Cũng như trung là trung với Tổ quốc, hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.

Chữ LIÊM phải đi đôi với chữ KIỆM cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN.

Có KIỆM thì mới LIÊM được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam.

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM...".

Bác viết về đức tính CHÍNH:

"Chính nghĩa là không tà, là thẳng thắn, là đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.

Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn..."

Hơn ai hết, Bác hiểu những người cán bộ của chế độ mới, những "công bộc" kiểu mới của nhân dân trong chính thể Dân chủ Cộng hòa, chống lại thói bất liêm và bất chính là một nhiệm vụ không hẳn đã dễ dàng. Bác nói thẳng thắn: "Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư" chính là bất liêm. Bất liêm chính là nguyên nhân của mọi hiện tượng tham ô, lãng phí, làm mất uy tín và sức mạnh của bộ máy chính quyền:

"Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư".

Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân".

Bác cũng dạy, để giữ chữ Chính, người cán bộ "phải thực hành hai chữ Bác - Ái" và "phải để việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà... Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh.

Vị trí càng nổi bật thì càng phải đáp ứng những yêu cầu cao về giữ gìn tư cách đạo đức nói chung và về chữ liêm chính nói riêng. "Phải lo thì lo trước thiên hạ; hưởng thì hưởng sau thiên hạ" (trích từ bài "Đạo đức cách mạng", 6/6/1955). Cũng trong bài báo vừa nêu, công bố với bút danh C.B, Bác Hồ từ rất sớm đã cảnh báo hiện tượng tiêu cực: "Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng: ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hoá. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó họ mắc phải những sai lầm: Kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân".

Hôm nay, đọc lại những dòng này vẫn có thể cảm thấy hơi văn đầy tâm huyết, công phẫn và đau đớn của người Cha già dân tộc đối với những hiện tượng cán bộ biến chất. Bác Hồ đã hiểu quá rõ rằng, trên thế giới đã có không chỉ một cuộc cách mạng bị phá giá vì đã không xây dựng được một đội ngũ cán bộ cầm quyền với những phẩm chất đạo đức mới, thực sự liêm chính mà chỉ thay đẳng cấp cầm quyền tham những hủ bại này bằng một đẳng cấp cầm quyền tham những hủ bại khác.

Không ngẫu nhiên mà theo hồi ức của các bậc lão thành cách mạng, trong thời kỳ Cách mạng mới giành được chính quyền, Bác Hồ đã xử lý rất nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, kể cả cấp cao, vi phạm những tiêu chí liêm chính của người cách mạng. Bác muốn phòng ngừa những diễn biến "đạn bọc đường" đối với một chính đảng cầm quyền.

Cho đến những bài viết cuối cùng trên cõi thế, Bác Hồ vẫn trước sau như một nhấn mạnh tới việc giáo dục đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"....

Người chiến sĩ Công an muốn giữ chữ liêm thì phải như thế nào? Cũng theo những lời dạy của Bác Hồ, trước hết và hơn hết là phải chống lại chủ nghĩa cá nhân. Trong bài nói tại Trường Công an Trung ương ngày 28/1/1959, Bác thêm một lần lý giải: "Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn".

Bác đã thấy trước tất cả những hệ lụy mà chủ nghĩa cá nhân có thể làm nảy nòi, làm ảnh hưởng xấu tới chữ liêm của người chiến sĩ Công an: "Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm...".

Hôm nay, trong bối cảnh tình hình mới của đất nước, người chiến sĩ CAND cần phải cố gắng sống, học tập, làm việc và chiến đấu theo đúng tinh thần những điều Bác đã dạy

CAND
.
.
.