Cần giải pháp phòng ngừa từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng

Thứ Hai, 04/11/2019, 14:17

“Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt, nhưng sẽ là tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng, đó mới là giải pháp căn cơ”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.



Sáng 4-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Đề cập đến kết quả thực hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá cao việc thời gian vừa qua nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và được đưa ra truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đáng lưu ý là một số vụ án tham nhũng đã được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được yếu tố tham nhũng, yếu tố chiếm đoạt, hay nói cách khác là chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn lên tới hàng triệu đôla Mỹ.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy. Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc đấu tranh, thuyết phục để các bị cáo thừa nhận hành vi”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo bà, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Phải nói rằng việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét”, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nêu quan điểm.

ĐBQH tỉnh Nam Định bày tỏ nhất trí với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới.

ĐBQH Hoàng Văn Hùng

“Đã đến lúc chúng ta cần phải rút ra bài học về quản lý kinh tế, phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cho những lĩnh vực có liên quan, việc gì là đúng và phù hợp, vấn đề gì bị sơ hở và dễ bị lợi dụng”, bà nói. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên và chấn chỉnh ngay những sai phạm khi đang còn ở trong giai đoạn nguy cơ, không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý.

“Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt, nhưng sẽ là tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng, đó mới là giải pháp căn cơ”, đại biểu nhấn mạnh thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề tham nhũng, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề cập đến vấn đề tham nhũng trong lực lượng có chức năng về phòng, chống tham nhũng.

“Tham nhũng trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua tuy không nhiều, gây thiệt hại không lớn nhưng theo tôi, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách phòng, chống tham nhũng, bảo vệ công lý”, ông nhận định.

Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề Ủy ban Tư pháp đã nêu trong nhiều năm nhưng tình hình không có chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm. Do đó, ông đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao chỉ đạo việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ.

“Cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND tối cao cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, phạm tội, nhất là nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin của người dân với các cơ quan phòng, chống tham nhũng”, đại biểu nêu giải pháp.


B.Quân - T.Nhân
.
.
.