Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Cần cụ thể hơn những điểm mới trong sửa đổi hiến pháp

Thứ Tư, 20/02/2013, 14:50
Điểm mới có tính chất bao trùm trong sửa đổi Hiến pháp lần này, là kịp thời thể chế hóa được quan điểm của Đảng đã thể hiện trong nghị quyết Đại hội XI và những thành tựu đổi mới của đất nước trong gần 30 năm qua.

Hiến pháp tiếp tục khẳng định thể chế chính trị ở nước ta, là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhưng những điều luật cần thể hiện rõ hơn các quyền của con người, quyền công dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã nói rõ hơn quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác. Theo tôi, đây là những điểm mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đối với quy định về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… những chỗ này cần phải có quy định hết sức cụ thể để vừa không ảnh hưởng tới quyền công dân mà chúng ta lại có cơ sở pháp lý quản lý xã hội tốt hơn. Về điểm này, cần nói thêm khi chúng ta sửa đổi được như vậy không chỉ thể hiện được tinh thần Hiến pháp năm 1946, mà còn bổ sung và phát triển so với bản hiến pháp được coi là mẫu mực đó.

Điểm mới nữa trong sửa đổi hiến pháp lần này, là quy định cơ chế kiểm soát quyền lực. Hiến pháp nêu lên ba cơ chế, đó là: Cơ chế Hội đồng hiến pháp; cơ chế Hội đồng bầu cử quốc gia; và cơ chế kiểm toán. Trong đó, đặc biệt lưu tâm là cơ chế Hội đồng hiến pháp nó “mềm” và hiệu quả hơn so với cơ chế Tòa án hiến pháp. Cơ chế Hội đồng hiến pháp từ trước đến nay nước ta chưa có. Tất cả các vị trong Hội đồng hiến pháp đều nằm trong Quốc hội và do Quốc hội bầu ra. Hội đồng hiến pháp thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, thiết chế Chủ tịch nước và tất cả các cơ quan Nhà nước (kể cả cán bộ, công chức) xem có việc vi hiến hay không. Đây là vấn đề rất có ý nghĩa, bởi thực tiễn lâu nay dư luận vẫn kêu Bộ này, địa phương nọ ban hành văn bản hoặc có việc làm vi hiến nhưng không có ai thổi còi cả.

Một vấn đề nữa, là hiến pháp cần phải luật hóa một cách cụ thể cơ chế giải quyết khiếu nại tố cáo, bởi tình hình khiếu nại tố cáo diễn ra rất phức tạp và có xu hướng gia tăng. Ghi cụ thể cơ chế giải quyết trong hiến pháp, sẽ góp phần làm cho người dân cũng như các cơ quan chức năng dễ hiểu, dễ giải quyết đúng với chức năng thẩm quyền, tránh chồng chéo kéo dài như hiện nay.

Trước tình hình đô thị hóa nhanh như hiện nay, yêu cầu đặt ra về mặt tổ chức Nhà nước là phải tách bạch giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, vì phương pháp quản lý điều hành ở đô thị khác với địa bàn nông thôn. Đây là vấn đề mà chúng ta chưa đưa ra được cơ chế quản lý hai địa bàn này một cách phù hợp, dẫn đến hiệu quả quản lý kém, nhiều vấn đề xã hội phát sinh khó giải quyết như ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật kém và đầu tư lãng phí… Điều này cần được ghi vào hiến pháp kỳ này đáp ứng xu hướng đô thị hóa nhanh cũng như xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Trên cơ sở tổng kết thí điểm bỏ HĐND ở một số phường, quận, huyện thời gian qua, rất cần đưa vào hiến pháp kết luận chính thức của việc thí điểm đó (nên hay không nên để HĐND cấp phường, quận, huyện) để đáp ứng yêu cầu cải cách bộ máy hành chính, đảm bảo năng động hiệu quả

P.Q.A.
.
.
.