Cần bổ sung cơ chế hợp lý, nhằm huy động được sức mạnh cao nhất từ nhân dân phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Chủ Nhật, 02/06/2013, 18:15
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, vấn đề cơ bản nhất là chưa có cơ chế hợp lý để huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhân dân tham gia sự nghiệp BVTQ. Do vậy, Điều 48 Hiến pháp 1992 cần được bổ sung cơ chế hợp lý, nhằm huy động được sức mạnh cao nhất từ nhân dân phục vụ cho sự nghiệp BVTQ.

Cả lý luận và thực tiễn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc Việt Nam đều khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua năm 2011, đã khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”, Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội  2011, Tr. 233.

Đảng ta nêu ra định hướng về mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ là rất cơ bản và toàn diện, bao gồm cả việc xác định phạm vi, đối tượng bảo vệ và xác định mức độ, tính chất BVTQ là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hoà bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên các địa bàn chiến lược biên giới, biển đảo, góp phần quan trọng vào quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Thực tế chỉ ra rằng, từ khi Đảng ta ra đời cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, chưa bao giờ các thế lực thù địch từ bỏ âm mưu, hoạt động nhằm gạt bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới lật đổ chính quyền, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Trong Hiến pháp nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp BVTQ là cơ sở pháp lý không chỉ đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng mà còn để trừng trị những cá nhân, tổ chức có âm mưu đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta, xóa bỏ chế độ Nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân.

Bởi vậy, Cương lĩnh 2011 (bổ sung, phát triển) tăng cường vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với nhiệm vụ BVTQ trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần xác định những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang nhân dân. Cần tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang nhân dân.

Thứ hai, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng một cách tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Hoàn thiện sửa đổi Hiến pháp 1992, ngoài giữ Điều 4 Hiến pháp năm 1992 cần khẳng định: “Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước”.

Thứ ba, cần quy định cụ thể trong Hiến pháp trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, tổ chức, cơ quan đối với sự nghiệp BVTQ. Quan điểm nhất quán của Đảng ta là: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân”.

Theo Cương lĩnh 2011 thì “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt”. Vì vậy, cần bổ sung những nội dung mới của Cương lĩnh 2011 vào Điều 44 để xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân”.

Chính vì vậy trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần xác định trách nhiệm của công dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong việc tham gia BVTQ, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân cũng như thể chế hóa việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân.

Thứ tư, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần khẳng định nội dung: Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm gắn kết chặt chẽ hiệu quả giữa tăng cường quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Quan điểm này cần được quán triệt trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với nhiệm vụ BVTQ theo hướng bổ sung vào các chương, điều những nội dung như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, phương án, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược an ninh quốc gia; xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tập trung thống nhất và xây dựng tiềm lực quốc phòng BVTQ.

Thứ năm, về phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia sự nghiệp BVTQ, Điều 48 Hiến pháp 1992 có ghi rõ: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân; giáo dục quốc phòng cho toàn dân;…”. Thực tế trong thời gian qua, chúng ta cơ bản đã phát huy được vai trò của nhân dân trong sự nghiệp BVTQ, song không phải lúc nào cũng huy động được 100% sức mạnh này.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, vấn đề cơ bản nhất là chưa có cơ chế hợp lý để huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhân dân tham gia sự nghiệp BVTQ. Do vậy, Điều 48 Hiến pháp 1992 cần được bổ sung cơ chế hợp lý, nhằm huy động được sức mạnh cao nhất từ nhân dân phục vụ cho sự nghiệp BVTQ.

Bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 là việc làm đặc biệt hệ trọng và cần thiết, đòi hỏi các tổ chức chính trị - xã hội, mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước cần phát huy trí tuệ, sáng tạo, góp phần thiết thực xây dựng “đạo luật gốc” tương xứng với tầm vóc phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế

T.N.C.
.
.
.