Cân bằng động

Chủ Nhật, 25/05/2008, 12:51
Ngày 22/5, Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật ngân sách trị giá 212 tỉ USD mang tính "dằn mặt" Tổng thống Mỹ. Các thượng nghị sĩ Mỹ (cả của đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa) đã gắn phần tiền 165 tỉ USD mà Nhà Trắng yêu cầu trong hai năm tới cho chiến trường Iraq và Afghanistan kèm theo hàng chục tỷ USD cho những chương trình nội địa khác.

Không ai phủ nhận nhu cầu sống còn của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế nhưng như thực tế cho thấy, các kết quả đạt được trong lĩnh vực này đang không làm hài lòng xã hội Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế.

Cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp ở Mỹ đang ở thế giằng co "cân bằng động" trong các dự tính tương lai cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Với hình thức như Thượng viện vừa bỏ phiếu, dự luật ngân sách đó sẽ không được Tổng thống phê chuẩn vì trước đó, ông Bush từng không chỉ một lần tuyên bố sẽ sử dụng đặc quyền phủ quyết mọi dự luật ngân sách chiến tranh có gắn kèm các khoản tiền khác. Và nếu dự luật chậm trở thành chính thức, Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ lâm vào cảnh túng bấn trong việc thực hiện các nhiệm vụ quân sự của mình ở Iraq hay Afghanistan…

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng phải làm mình làm mẩy nói dọa đi mượn tiền từ các ngân sách khác để lo cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế… Chuyện như đùa nhưng rất có thể là có thật.

Thực ra, ngay cả khi dư dả kinh phí, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế theo cách mà Washington đang tiến hành cũng khó mà đạt được hiệu quả mong muốn. Tình hình ở Iraq cũng như ở Afghanistan trong tuần vẫn tiếp tục nóng bỏng. Số lượng nạn nhân chết nhiều nhất vì bom đạn vẫn là những người dân vô tội. Họ bị mất mạng không chỉ bởi các hoạt động của các phần tử khủng bố mà cả vì quân đội Mỹ.

Thí dụ như trong đêm 21/5, một trận không kích của máy bay Mỹ xuống thị trấn Baiji (phía Bắc thủ đô Baghdad) đã làm chết 8 dân thường, trong đó có 2 trẻ em. Sự việc này đã như đổ thêm dầu vào ngọn lửa công phẫn của người dân Iraq đối với binh lính Mỹ, thời gian gần đây càng bị hâm nóng bởi vụ một lính Mỹ dùng kinh Koran làm bia tập bắn…

Tại Afghanistan, người dân sở tại cũng không yêu quý gì những binh lính ngoại quốc, đặc biệt là binh lính Mỹ, vì những sự cố tương tự. Tại thành phố Chaghcharan, thủ phủ tỉnh Ghor (miền Trung Afghanistan), ngày 22/5 đã có khoảng 2.000 người dân đã đổ ra đường phố biểu tình cũng chỉ để phản đối vụ lính Mỹ ở Iraq lấy kinh Koran làm bia tập bắn. Cuộc biểu tình này về sau đã biến thành một vụ bạo lực, làm 10 cảnh sát và một số người biểu tình bị thương….

Trước đó, hàng chục nghị sĩ Afghanistan cũng bỏ ra khỏi cuộc họp quốc hội để phản đối vụ phỉ báng kinh Koran của lính Mỹ ở Iraq… Ông Bush ở Washington đã phải ngỏ lời xin lỗi vì sự cố đó…

Thực tế cho thấy, trong thế giới hiện đại, không một sức mạnh nào, dù hùng hậu đến mấy có thể tự cho mình ở vị trí thượng phong bao trùm thiên hạ. Cao nhân tất hữu cao nhân trị, tất yếu sẽ nảy sinh những phản lực đủ tầm và đủ lý chống lại những mưu toan xác lập một trật tự thế giới đơn cực.

Việc tân Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã bắt đầu chuyến công du đầu tiên của mình ra nước ngoài ở phía Đông chứng tỏ rằng, mặc dù đánh giá rất cao các quan hệ với phương Tây nhưng Điện Kremli vẫn tiếp tục chính sách xích lại gần châu Á để tạo nên thế cân bằng hữu lý hơn trên bản đồ chính trị quốc tế.

Không ngẫu nhiên mà trong tuyên bố chung được thông qua ngày 22/5 tại Bắc Kinh nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Medvedev, hai bên Nga - Trung đã cùng bày tỏ mối lo ngại rằng, việc hình thành một hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu như Washington chủ trương, "trong đó có việc triển khai hệ thống này tại những phần nhất định trên thế giới hoặc những động thái theo chiều hướng này, sẽ không giúp duy trì cán cân chiến lược và sự ổn định". Moskva và Bắc Kinh cũng nhất quán phản đối kế hoạch của Mỹ xây dựng "lá chắn tên lửa" tại Đông Âu.

Trước đó, ngày 22/5, ông Medvedev cũng đã cảnh báo rằng Nga sẽ có "biện pháp đáp trả tương xứng" với kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Tất nhiên, người đứng đầu Điện Kremli vẫn chủ trương giải quyết mọi điều một cách ổn thỏa hơn trên bàn thương lượng cho tới cơ hội cuối cùng: "Tôi nghĩ rằng tình hình chưa tới mức hoàn toàn vô vọng, nhưng có một số quyết định được đưa ra đã không thể làm chúng tôi hài lòng và chúng tôi buộc phải tìm ra cách đáp trả tương xứng... Quyết định đơn giản nhất cuối cùng là đóng sập các cánh cửa và không lắng nghe. Dĩ nhiên, đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn sẵn sàng tiếp tục đối thoại trên tất cả các kênh... với các đối tác châu Âu và đặc biệt là Mỹ".

Hiện nay đang diễn ra nhiều động thái chứng tỏ rằng, không ít quốc gia mặc dầu vẫn tuyên bố đi theo đường lối hoà hoãn nhưng bên trong buộc phải có những quyết định tốt nhất là mình tự lo cho mình trong các vấn đề liên quan tới lĩnh vực quân sự. Thậm chí, vũ trụ bây giờ cũng đang được tính đến như một chiến trường trong tương lai.

Và ngày 21/5, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành bộ luật đầu tiên đề ra chính sách cơ bản về việc sử dụng không gian vũ trụ, dọn đường cho việc triển khai tại đó các thiết bị quốc phòng, như vệ tinh do thám, vào vũ trụ…

Theo tư duy của nhà chiến lược ở Tokyo, một khi thế giới luôn ở trong thế cân bằng động, không thể nào thụ động ngồi chờ mình bị dồn vào những việc đã rồi trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt trong những việc liên quan đến lợi ích an ninh sống còn của quốc gia. Có thể đồng tình hay không đồng tình với quyết định vừa rồi của Quốc hội Nhật Bản nhưng không thể nói rằng, lập luận này là vô lý

.
.
.