ASEAN:

Cảm thông để cùng phát triển

Thứ Sáu, 08/04/2005, 06:46
Chuyến thăm Việt Nam của của đoàn đại biểu cấp cao Myanmar do Trung tướng Soe Win, Thủ tướng Liên bang Myanmar, dẫn đầu diễn ra tốt đẹp trong hai ngày 7 và 8/4, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có những buổi tiếp đón trọng thể và làm việc với Thủ tướng Soe Win cùng các thành viên trong đoàn cấp cao Myanmar. Mọi sự diễn ra thuận buồm xuôi gió. Năm 2004, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đã đạt hơn 40 triệu USD (tăng 9 triệu USD so với năm 2003).

Mặc dù mỗi quốc gia đều có những đặc thù riêng về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nhưng cả Việt Nam và Myanmar đều nỗ lực biến sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau thành những việc làm cụ thể, giúp nhau cùng phát triển và cùng có lợi. Đây có lẽ cũng là nguyên tắc hành xử đang trở thành chủ đạo giữa các nước ASEAN.

Khu vực Đông Nam Á, cũng như mọi khu vực khác trên thế giới, cùng một lúc phải đối mặt với vô số những khó khăn cũng như thuận lợi của thời toàn cầu hóa. 10 quốc gia trong ASEAN vừa là một khối thống nhất trên cơ sở điều lệ của tổ chức này, vừa phải có những cách ứng xử riêng cho hợp với "đồng tiền, bát gạo" của mình. Và phải nói rằng, những mối quan tâm quốc tế chung đã tìm được tiếng nói nhìn chung là đồng thuận trong nội bộ ASEAN.

Trở thành thành viên trong đội hình ASEAN, các nước Đông Nam Á đã có thêm nhiều thuận lợi trong quá trình phát triển của mình, hay ít ra là có thêm những đồng minh để cùng vượt qua các thách thức và nguy cơ lắm khi không nhỏ trong quá trình phát triển, với phương châm hành xử bình đẳng, gắn bó, thống nhất và đoàn kết trong đa dạng. Điều này đặc biệt quan trọng trong tình hình khu vực và thế giới hiện nay, khi mà có thể nói là chưa bao giờ các nước ASEAN phải đối mặt với nhiều hiểm họa chung và riêng đến vậy. 

Chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang là mối đe dọa to lớn với không chỉ riêng ai. Đang tồn tại không chỉ một điểm nóng bởi hiểm họa xung đột tôn giáo hay sắc tộc. Với Indonesia, đó là nhức nhối Aceh. Với Philippinnes, đó là vùng đảo Mindanao... Miền Nam Thái Lan những ngày gần đây vẫn tiếp tục đỏ lửa bởi những vụ đánh bom khủng bố của các phần tử Hồi giáo quá khích, đến mức chính phủ nước này chuẩn bị phải tuyên bố "báo động đỏ" trên toàn quốc...

Tư lệnh Không quân Thái Lan, nguyên soái Kongsak, ngày 5/4 đã đề nghị Hội đồng An ninh quốc gia phải đặt đất nước trong tình trạng sẵn sàng 100% để đối phó với mọi tình huống tấn công khủng bố có thể xảy ra. Giám đốc Tổng nha cảnh sát Thái Lan Kowit Watana cũng đã áp dụng chế độ trực chiến đối với các đồn cảnh sát thuộc 5 tỉnh cực Nam là Yala, Narathiwwath, Pattani, Song Khia và Satun...

Nhìn vào quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, có thể thấy rằng, các trình độ phát triển khác nhau và những thể chế chính trị khác nhau hoá ra lại làm phong phú hơn các mối quan hệ song phương và đa phương trong nội bộ tổ chức, tạo những phong vị và hiệu quả mới. Những mối quan hệ kinh tế nội bộ rất được chú trọng đẩy mạnh. Các nước thành viên luôn cố gắng tuân theo những nguyên tắc chung "mỗi nước phát triển để cho cả khu vực phát triển" và "cả khu vực phát triển cho từng nước có điều kiện phát triển hơn".

Đoàn kết lại bao giờ cũng có thêm sức mạnh, nhất là trong các tình huống đòi hỏi phải đối mặt với những hiện tượng bất lợi có thể nảy sinh trong nền kinh tế và chính trị thế giới. Các nước ASEAN luôn cần duy trì thái độ tích cực khi nhìn nhận và đánh giá những khó khăn nội tại của từng bên. Cảm thông được với nhau mới tận dụng được những cơ hội cùng phát triển.

Cần phải nói rằng, đang có không ít trung tâm quyền lực bên ngoài rắp tâm lũng đoạn bầu không khí chính trị trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, xét theo thực tế, mọi chước quỷ mưu ma đó đều khó có thể mang lại những "hoa trái" mà những kẻ ác ý muốn "gieo gió" ở vùng Đông Nam Á mong đợi

Nguyễn Anh Tuấn
.
.
.