Kỷ niệm 65 năm Ngày Nhân quyền thế giới:

Cách mạng Việt Nam với Quyền con người

Thứ Hai, 09/12/2013, 21:55
Kỷ niệm 65 năm Ngày nhân quyền thế giới (10/12/1948); sự kiện Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và Quốc hội công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (mới), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Cao Đức Thái - nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh với bạn đọc.

Quyền con người (QCN) không chỉ là giá trị chung của nhân loại, mà còn là giá trị cốt lõi của các quốc gia, dân tộc, không phân biệt chế độ xã hội, trình độ phát triển, bản sắc văn hóa. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc bảo đảm QCN được xem là thước đo trình độ phát triển, tính ưu việt của một chế độ. Quyền con người được xem là quyền tự nhiên, vốn có của mọi người. Thế nhưng các quyền này chỉ đến với người dân Việt Nam ta từ sau khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc giành được thắng lợi. Bởi vậy, có thể nói, QCN là thành quả của của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Hơn 30 năm kháng chiến chống lại các thế lực xâm lược hung ác nhất thế giới, dân tộc ta đã kiên cường đấu tranh, trước hết để bảo vệ quyền sống, bảo vệ tự do, nhân phẩm của dân tộc. Có thể nói, trong thế kỷ XX Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao, mang tính đột phá về tư tưởng nhân quyền của nhân loại. Thể hiện trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Sự ra đời của khái niệm QCN gắn liền với các cuộc cách mạng dân chủ tư sản lật đổ chế độ phong kiến, xã hội thực dân thế kỷ XVII, XVIII. Mở đầu ở Anh rồi đến Mỹ, Pháp... Thế nhưng, các thế lực cầm quyền ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa đã không hề chia sẻ những thành quả nhân quyền với các dân tộc bị áp bức. Ở Việt Nam, hơn 80 năm áp đặt chế độ thống trị, thực dân Pháp vẫn duy trì chế độ phong kiến thối nát; dân tộc ta không có Hiến pháp, không có quyền công dân, quyền con người. Đó là một bằng chứng không gì có thể bác bỏ được.

Trong thế kỷ XX, sự ra đời của Liên Hợp Quốc, năm 1945 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại. Mặc dù các quốc gia, dân tộc vẫn còn có sự khác biệt và mâu thuẫn về hệ tư tưởng, chính trị, kinh tế, song từ đây các quốc gia, dân tộc đã có thể giải quyết các bất đồng và hợp tác với nhau dựa trên nguyên tắc: bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình. Cũng trong văn kiện lịch sử này, QCN được xem là một mục tiêu, một trong ba trụ cột của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Bản Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người ra đời không phải là sáng kiến của cá nhân, một nhóm xã hội nào đó, mà là một nỗ lực chung của các dân tộc, trong đó có Liên-Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, sau cuộc chiến tranh chống phát xít, hướng tới mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bản Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người hình thành từ những tiền đề tư tưởng trước đó song quan trọng hơn nó đã phản ánh nhận thức chính trị của cộng đồng quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến tranh thế giới thứ hai đã cướp đi gần 50 triệu sinh mạng. Ở nước ta, do chính sách tàn bạo phá lúa trồng đay phục vụ chiến tranh của phát xít Nhật và sự bóc lột dã man của thực dân Pháp, đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử, làm chết hơn 2 triệu người ở Bắc bộ, gần bằng 1/10 dân số Việt Nam lúc đó.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã làm thức tỉnh nhân loại rằng, nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và bảo vệ QCN, trước hết là quyền sống còn là một nhu cầu cấp bách của cả nhân loại. Vào ngày 10/12/1948, Bản Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua. Văn kiện này đã thể hiện ý chí, nguyên vọng cháy bỏng của các quốc gia, dân tộc về những nhu cầu về vật chất và tinh thần của tất cả mọi người phải được các Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và thực thi một cách bình đẳng đối với mọi người, không phân biệt chủng tộc, mầu da, giới tính, quan điểm chính trị, vị thế xã hội, giầu nghèo... Sau Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người, hai công ước quốc tế: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, “Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”, năm 1966) đã ra đời. Ba văn kiện nói trên được cộng đồng quốc tế xem là “Bộ luật quốc tế về Quyền con người”.

Mặc dù còn những hạn chế bởi điều kiện lịch sử ra đời, đến nay văn kiện này vẫn còn nguyên giá trị. Đó chính là lý do vì sao, cộng đồng quốc tế đã lấy ngày ra đời của Bản Tuyên ngôn này làm “Ngày Nhân quyền thế giới”.

Đối với dân tộc ta, những tư tưởng Nhân đạo, khoan dung, bảo vệ con người trong Tuyên ngôn không phải là xa lạ. Đó là một phần trong các giá trị truyền thống của nhân dân ta. Có thể xem tư tưởng “ Thương người như thể thương thân” trong văn học dân gian; tư tưởng “Khoan sức dân” của Trần Quốc Tuấn, tư tưởng “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”, “Lấy chí nhân để thay cường bạo” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi  và nhiều quy định bảo vệ lợi ích của phụ nữ, trẻ em... trong Bộ luật Hồng Đức, thời Lê Thánh Tông, năm 1449... là những minh chứng

Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là thời kỳ Đảng ta sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, nhận thức lại chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH. Trong đó có chế độ dân chủ và QCN. Bản lĩnh của Đảng ta đã thể hiện rõ trong bước ngoặt lịch sử này. Đảng ta chủ trương chọn lọc - kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và QCN.

Trên lĩnh vực chính trị, lần đầu tiên QCN đã được đưa vào Cương lĩnh của Đảng (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh 2011 ). Đồng thời cũng đã được quy định tại Điều 50, Hiến pháp 1992. Cho đến nay, sau khi Việt Nam đã ký kết “ Công ước tra tấn”, có thể nói Nhà nước ta đã tham gia tất cả các công ước quốc tế cơ bản về QCN. Đồng thời hệ thống pháp luật Việt Nam đã bao quát đầy đủ các quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Văn hoá và tương thích với các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã tham gia.

Có thể nói Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ( Hiến pháp mới) đánh dấu một bước phát triển to lớn trên lĩnh vực QCN. So với Hiến pháp 1992, Hiến pháp mới đã có những thay đổi to lớn về cả hai phương diện- nội dung và kỹ thuật lập pháp. Nếu như trong Hiến pháp 1992 chỉ có một điều (Điều 50) quy định về QCN, được đặt trong Chương V “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, thì Hiến pháp mới đã giành một chương (Chương II), quy định về QCN, quyền và nghĩa vụ công dân. Tầm quan trọng của QCN không chỉ được thể hiện ở vị trí của chương này ( Chương II) mà còn thể hiện ở số lượng các Điều (37 Điều/124 Điều, trên 30% Điều của Hiến pháp mới).

Trong chương này, tất cả các QCN về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được quy định đầy đủ và tương thích với các công ước quốc tế về QCN. Về kỹ thuật lập pháp, gắn với tư duy mới về QCN cũng đã được thể hiện rõ ràng. Điều 15 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nói một cách cụ thể, các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư, Nghị quyết...không có hiệu lực pháp lý để giới hạn quyền con người.

Không phủ nhận rằng hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề về quyền con người, như sự phân hóa giầu nghèo; tình trạng quan liêu, tham nhũng; tình trạng người dân không được hưởng các hàng hóa, dịch vụ tương xứng với chất lượng và giá cả,… tuy nhiên, với việc nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH,...và việc hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với Hiến pháp mới, các quyền và tự do cơ bản của con người trên đất nước ta nhất định sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn, chế độ xã hội ta, Nhà nước ta sẽ ngày càng vững mạnh hơn

C.Đ.T.
.
.
.