Cách chức hay giáng chức cán bộ vi phạm?

Thứ Hai, 10/06/2019, 20:48
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều đại biểu Quốc hội xung quanh đề xuất bỏ hình thức giáng chức, thay bằng cách chức đối với cán bộ vi phạm.


Tranh luận cách chức hay giáng chức

Đại biểu Mong Văn Tình cho rằng, công chức giữ chức vụ trưởng phòng, khi vi phạm có thể giáng chức xuống phó phòng, thay vì cách chức là làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận mọi nỗ lực phấn đấu của công chức đó suốt một quá trình dài trong khi công chức đó chỉ vi phạm khi làm công tác trưởng phòng.

Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An).

“Việc áp dụng giáng chức là tận dụng chất xám của cán bộ công chức đó tại vị trí việc làm đã gắn bó lâu năm, đồng thời tại điều kiện cho cán bộ công chức đó được sửa sai, phấn đấu vươn lên”, đại biểu nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) lại đồng ý bỏ hình thức kỷ luật giáng chức như dự thảo Luật, bởi theo ông, hình thức giáng chức có khả năng áp dụng để bao che hay cảm tính cho cán bộ bị kỷ luật. “Nếu cán bộ vi phạm tới mức phải cách chức thì cách chức, còn không thì cảnh cáo chứ giáng chức không đủ mức răn đe, có thể nể nang, xử lý nhẹ hơn”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp).

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hoà, nếu cách chức qua thời hạn bị kỷ luật thì vẫn có thể bổ nhiệm nếu người đó đủ điều kiện nhưng nếu công chức bị kỷ luật cách chức thì thời hạn phải 2 năm mới được bổ nhiệm lại chức vụ cũ hoặc tương đương, còn nếu mới 1 năm bị kỷ luật mà được bổ nhiệm lại xem ra chưa hợp lý lắm.

Góp ý nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đồng tình với phương án bỏ hình thức kỷ luật giáng chức vì cho rằng nếu quy định hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm bởi giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.  

Hơn nữa, người bị kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ hay trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới trong thực thi nhiệm vụ và tham mưu.

Chính sách với người có tài năng như thế nào?

Đối với chính sách với người có tài năng, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị luật cần quy định khung thế nào là tài năng để khi áp dụng đảm bảo tính thống nhất. Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng hiện Đảng và Nhà nước chưa văn bản nào xác định rõ ràng, thống nhất về khái niệm nhân tài. Từ đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị luật hoá xác định thế nào là nhân tài. 

Tranh luận lại các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng việc luật hoá tiêu chí nhân tài là rất khó và quan trọng nhất là phải tháo gỡ các rào cản cụ thể để phát triển các tài năng. 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang).

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ví dụ, muốn mời một vị giáo sư nước ngoài về Việt Nam làm lãnh đạo một đơn vị chuyên môn như trưởng khoa thì rất khó khăn vì làm sao giáo sư đó là viên chức, làm sao có bằng trung cấp lý luận chính trị. Tương tự, nhiều người trẻ Việt Nam không phải viên chức thì không thể đưa vào vị trí bổ nhiệm, quy hoạch được.

“Tôi đề xuất nên có hội đồng theo từng chuyên ngành, đặc biệt trong các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyên ngành sâu, để phát hiện, theo dõi, bồi dưỡng các tài năng. Quyết định của hội đồng này sẽ là cơ sở quan trọng để chính quyền tham khảo và có thể đưa hội đồng này vào trong luật hoá”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Phương Thuỷ
.
.
.