Các Bộ sẽ hết “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Thứ Năm, 05/10/2017, 09:05
Chính phủ đã quyết định sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp vào năm 2018. 

Như vậy, đầu mối mà truyền thông vẫn gọi là “siêu ủy ban” sẽ được hình thành và DNNN được rút ra khỏi các bộ, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay.

Tại Nghị quyết Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN vừa được Thủ tướng ký ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 cổ phần hóa 137 DNNN, hoàn thành thoái vốn theo danh mục đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Chính phủ cũng sẽ tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương. Năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DN. Đến năm 2030, hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần.

Để đạt mục tiêu này, 6 đầu việc được nêu ra trong mục “nhiệm vụ và giải pháp”, trong đó có việc hoàn thiện thể chế và định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp... Hoàn thiện tiêu chí cổ đông lớn, cổ đông chiến lược,... 

Chính phủ sẽ sớm tách chức năng quản lý nhà nước của các Bộ với chức năng đại diện vốn Nhà nước tại các tập đoàn. Ảnh: Pvdrilling.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu không chi thường xuyên đối với tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước mà số tiền này được quản lý tập trung và chỉ chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.

Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu tiêu chí đánh giá, bắt buộc DNNN phải xây dựng hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao thúng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và DN...

Hiện nay, mô hình “siêu ủy ban” vẫn đang được tính toán. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, khi họp về đề án này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, “siêu uỷ ban” “phải sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ, các UBND”, nhằm tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. 

Hồi tháng 4 năm nay, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các Bộ tập trung phân tích ưu, nhược điểm của từng mô hình, phương án thành lập siêu ủy ban, với tinh thần không chờ đến 2020 mới kết thúc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, địa phương về cơ quan chuyên trách. 

TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng: Việc một bộ vừa quản lý ngành, vừa ban hành chính sách, lại vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp thuộc ngành đó gây ra xung đột thị trường và lợi ích, khiến các chính sách điều tiết thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành của mình, khiến thị trường méo mó, bất bình đẳng, không cạnh tranh. Nguy hại hơn nó khiến phân bổ nguồn lực cũng méo mó, sử dụng kém hiệu quả, nền kinh tế phát triển dưới tiềm năng.

Theo TS Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM: Tính lũy kế từ năm 1992 đến tháng 6 năm 2017 đã có 4.520 công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa DNNN. 

Tuy về số lượng, kế hoạch cổ phần hóa đã được hoàn thành mỹ mãn, nhưng về chất lượng chưa đảm bảo, khi kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu, dẫn tới Nhà nước vẫn phải nắm giữ bình quân 81% sở hữu của các DNNN cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 – 2016 (kế hoạch là 65%). Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).

Cuối năm ngoái, lý giải nguyên nhân chậm trễ trong cổ phần hóa (ngoài nguyên nhân khách quan do vướng mắc thể chế), Thủ tướng khẳng định: “Cái mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn với tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, chưa kể tư tưởng các bộ không muốn cổ phần hóa” vì còn nhùng nhằng liên quan về quyền lợi.

V. Hân
.
.
.