Dư luận thế giới về sự kiện 30-4-1975 của Việt Nam:

Lý tưởng chủ nghĩa yêu nước là nguồn động viên không gì sánh nổi

Thứ Tư, 29/04/2015, 08:07
“Sài Gòn sụp đổ: thủ đô các nước Cộng sản hân hoan, các nơi khác lẫn lộn buồn vui” (Communist capitals of Saigon; other reaction mixed) là bài tổng hợp tin phóng viên thường trú khắp nơi trên thế giới của tờ Người hướng dẫn khoa học Thiên Chúa giáo (Christian science monitor), số ra ngày 1-5-1975.  Cùng ngày, The New York Times (NY), cũng phát đi bài viết của Craig Witney, thường trú tại Bonn (CHLB Đức), phỏng vấn chính khách và người dân thường 9 thủ đô châu Âu, và vùng Trung Cận Đông trong bài viết Tây Âu nhìn nhận sự sụp đổ của Sài Gòn như bài học răn dạy Mỹ.

Theo NY, từ London đến miền đông Địa Trung Hải, người ta nhận thấy đây là một sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt. Từng chỉ huy quân dù ở Điện Biên Phủ, Quốc vụ khanh quốc phòng Pháp, đại tướng Marcel Bigeard nói: “Thất bại là không tránh khỏi. Ở một phía là những ai sống trong một thứ kén mềm oặt do người Mỹ dệt. Ở đầu kia là quân đội Bắc Việt trẻ tuổi nhưng quyết liệt. Anh không thể chống lại một nhân dân đoàn kết. Cộng sản hay không, không quan trọng, lý tưởng của chủ nghĩa yêu nước là nguồn động viên không gì sánh nổi”.

Hồ Chí Minh - Người chiến thắng. Bìa Tạp chí Time, ngày 12-5-1975.

Pháp là nước duy nhất có sứ quán vẫn hoạt động ở Sài Gòn. Paris dự định sẽ xúc tiến việc công nhận chế độ mới ở Sài Gòn, cũng là cách thức mà Thụy Điển lựa chọn.

Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Chatichai Choonhavan nói: Thái Lan đã công nhận Chính phủđoàn kếtdân tộc Vương quốc Campuchia, và hy vọng sẽ thiết lập quan hệ với Hà Nội (nguyên văn - với Bắc Việt Nam).

Quốc hội Ấn Độ chào mừng chiến thắng do những người Cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam, với sự phấn khởi và hoan nghênh nhiệt liệt…

Bộ trưởng Ngoại giao Philippine Carlos Romulo hoan nghênh cuộc chiến chấm dứt và nhấn mạnh niềm hy vọng là hai bên (ở Việt Nam) sẽ đạt được hiểu biết lẫn nhau để người Việt Nam được sống trong hòa bình.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Kichi Myazawa cho rằng sự đầu hàng của (chế độ) Sài Gòn là quyết định thông minh, nếu như việc này đã giúp tránh được đổ máu quy mô lớn. Rằng Nhật sẽ cân nhắc việc công nhận chính quyền mới ở Nam Việt Nam, nếu như chính quyền vừa được kiến lập này đang kiểm soát hiệu quả (tình hình) đất nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Nam Triều Tiên Kim Dong-in cho rằng bài học của việc phe Cộng sản giành chính quyền ở Campuchia và Việt Nam là các dân tộc phải mạnh mẽ và biết dựa vào sức mình. “Chúng ta có thể thấy ở cả Pnompenh và Sài Gòn, nếu không có sức mạnh thì sẽ không có cả đàm phán, thỏa hiệp, chỉ có đầu hàng”.

Ở Bắc Kinh, các nhà ngoại giao Việt Nam và các nước Cộng sản múa hát trong tiếng pháo nổ râm ran, khi tin Sài Gòn đầu hàng được phát đi. Những quan chức chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chạy tới sân tòa Đại sứ của họ, reo vang tin vừa nhận. Chẳng bao lâu, trên đường phố xung quanh các nhân viên ngoại giao thuộc các nước Cộng sản hò hát vang lừng. Các nhà ngoại giao Anbani ôm lấy đồng nghiệp Việt Nam. Ngay cả những cảnh sát người Trung Quốc gác sứ quán, thường ngày nghiêm nghị, cũng hạ súng xuống, vỗ tay… Hiện chưa có ngay những phản ứng của Chính phủ Trung Quốc về các diễn biến cuối cùng ở Việt Nam, Bắc Kinh chỉ mới chính thức chúc mừng thắng lợi của Việt cộng.

Dù đã chi viện cho Mặt trận Giải phóng trong suốt chiều dài cuộc chiến, Đông Âu ít tỏ ra “hể hả” (little gloating) khi chúc mừng thắng lợi của Hà Nội. Moskva và Bắc Kinh đều chào mừng sụp đổ của Sài Gòn, nhưng Nga khá kiềm chế khi nói đến Hoa Kỳ.

Nhân dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.

Trích phát biểu của TASS: “Trong thời đại hiện nay một chế độ chỉ dựa trên lưỡi lê của ngoại bang thì sớm muộn cũng diệt vong”, NY cho rằng các tiếng nói quan trọng và có ảnh hưởng ở Tây Đức, Anh và Pháp tỏ ra nhất trí với Moskva, là lỗi lầm cơ bản của Mỹ là cố bảo vệ một chế độ không có khả năng bảo vệ mình.

Tại London, phản ứng của báo chí với sự sụp đổ hoàn toàn của Việt Nam Cộng hòa lan tỏa từ sự thất vọng của phe cực hữu tới hoạt động chào mừng của phe tả. Tờ báo bảo thủ Daily Telegraph viết: “Đây là chiến thắng lớn nhất của phe các nước Cộng sản và là thất bại lớn nhất của các lực lượng thế giới tự do. Mỗi nước châu Á hôm nay đều đang hiệu chỉnh (chính sách) của mình”.

Tầm quan trọng của Mỹ đối với phòng thủ Tây Âu được nhấn mạnh đặc biệt tại Tây Đức, nơi có biên giới với một Đông Đức khác về chế độ chính trị. Nhưng từ những người thợ nề trong thung lũng sông Rhine đến Thủ tướng Helmut Schmidt, đều không nhận thấy có mấy tương đồng khi đối chiếu với Việt Nam. Một công nhân ở Cologne nói: “Tôi và bạn bè vẫn nói nhiều về cuộc chiến này. Dù có tới 500 ngàn quân đóng ở đó đi nữa, thì kết cục vẫn giống như đã xảy ra với Pháp mà thôi…”

Tây Âu nghĩ rằng Sài Gòn sụp đổ không hẳn là dấu hiệu Mỹ suy yếu, mà là kết quả của những ảo tưởng của Washington. Đảng Xã hội dân chủ Tây Đức vừa ra một tuyên bố, là thất bại không đến vì thiếu hụt viện trợ Mỹ, mà là hệ quả của một chính sách không hợp lòng dân, không tính đến “lợi ích của quần chúng” ở Nam Việt Nam.

Cựu thủ tướng Tây Đức Willy Brandt nói: “Chúng ta chia sẻ tình cảm của mình với những nạn nhân của cả hai phía (cuộc chiến), và hỗ trợ người tị nạn và trẻ em”. Ông kêu gọi “Cần hiệu triệu một sứ mạng nhân đạo châu Âu, vì cuộc chiến này là hậu quả từ thời kỳ người Âu xâm chiếm thuộc địa”.

Tại Rome, Vatican cẩn trọng tuyên bố: “Giáo hoàng Paul VI chia sẻ nỗi truân chuyên của các tín đồ Thiên chúa ở Nam Việt Nam, và hy vọng rằng hòa bình thực sự đang đến với Việt Nam, với sự tôn trọng các quyền dân sự và tín ngưỡng”.

Các đồng minh của Mỹ ở Tây Âu bày tỏ quan điểm chính thức rằng, họ hy vọng hôm nay, khi cuộc chiến đã kết thúc, những vết thương của Việt Nam sẽ lành trong hòa bình.

Các nhà bình luận khối Ả Rập cho rằng việc Việt Nam Cộng hòa sụp đổ là thất bại chiến lược lâu dài của Mỹ. Nhiều người Cộng sản ở Beirut, Lebannon dự báo Mỹ sẽ cố mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông để bù lại ảnh hưởng vừa bị mất ở Đông Nam Á. Đài tiếng nói Cairo mô tả kết cục của cuộc chiến Việt Nam là “Một chiến thắng của những người yêu chuộng hòa bình”, sẽ làm yếu ảnh hưởng của Kissinger (với các sứ mạng con thoi) ở Ai Cập.

Các báo Mỹ nhận thấy sự lo ngại rõ rệt của chính giới Israel, nước đang phụ thuộc nhiều nhất vào hỗ trợ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, báo Maariv ở Ten Avip bình luận: “Chương thảm sử ở đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam biểu thị một sự thật cay đắng xưa nay là, các phương tiện chiến tranh dù mạnh đến đâu, không thay thế được tinh thần, (sự) thiếu ý chí một quân đội không khác gì một đám đông hoảng loạn”.

Lê Đỗ Huy (trích dịch)
.
.
.