Cả nước tưng bừng ngày hội lớn

Chủ Nhật, 22/05/2016, 08:40
Theo Ủy ban bầu cử quốc gia, ngoài những nơi đã tiến hành bỏ phiếu sớm, từ sáng 22-5, cử tri khắp cả nước sẽ đồng thời đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV và bầu cử HĐND 3 cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Tổng số tổ bầu cử trong cả nước là 91.476 tổ với tổng số cử tri là 69.265.810 người. Các tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri. Từ các khu dân cư ven biển đến vùng nông thôn, miền núi tưng bừng không khí của ngày hội lớn. Cử tri đã theo dõi chương trình hành động của ứng cử viên, đánh giá được phần nào trình độ và mối quan tâm của từng ứng cử viên để quyết định sẽ bầu ai vào ngày 22-5. 

Dưới đây là tổng hợp công tác chuẩn bị bầu cử tính đến chiều 21-5 tại một số địa phương.

Bình Thuận: Hơn 933.000 cử tri đã sẵn sàng

Có hơn 933.000 cử tri trong tỉnh, tất cả đều đã được phát thẻ cử tri. Ông Võ Minh Triều, cử tri ở xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết mong muốn được Nhà nước đầu tư mạnh hơn về thủy lợi để bà con có nguồn nước phát triển sản xuất.

Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ liên tục khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Bên cạnh đó giúp bà con tìm đầu ra cho cây thanh long để bà con yên tâm sản xuất.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kiểm tra hòm phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 1, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Võ Đức Khai, cử tri phường Phú Tài, TP Phan Thiết cho rằng, ngoài tinh thần đấu tranh chống nội xâm là vấn nạn tham nhũng, người đại diện cho dân phải có lòng yêu nước và tinh thần độc lập dân tộc. Nếu được bầu, đại biểu đó cần có tiếng nói mạnh mẽ trước Quốc hội, giúp cơ quan quyền lực tối cao đưa ra các quyết sách đúng đắn về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tây Nguyên: Xuống xuồng phát thẻ cử tri ở lòng hồ thủy điện

Ngoài đặc điểm chung là địa bàn rộng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư phân bố không tập trung thì còn có một điểm là có một lượng dân di cư ngoài kế hoạch, sinh sống tại những khu vực xa xôi hẻo lánh.

Tại tỉnh Đắk Nông, vấn đề đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho số dân di cư này cũng đã được địa phương quan tâm triển khai. Trên khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây đã hình thành những nhóm hộ sinh sống biệt lập trong rừng sâu, ven đảo vắng, cách trung tâm xã từ 15 đến 20km.

Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân bàn giao thùng phiếu cho Ban chỉ đạo bầu cử TP Vũng Tàu.

Tuy là nơi xa xôi hẻo lánh và lênh đênh trên mặt nước nhưng những ngày này, không khí đón chờ ngày bầu cử ở những xóm nhỏ trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 cũng rất rộn ràng.

Ông Ka Tang, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết đã phân công các thành viên Ủy ban Bầu cử xuống tuyên truyền cho 42 hộ dân đang sinh sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 để bà con hiểu và thực hiện tốt quyền lợi bầu cử của mình. Trong đợt bầu cử lần này, toàn huyện Đắk Glong có 59 đơn vị bầu cử và 60 điểm bỏ phiếu.

Theo danh sách đã được niêm yết tại trung tâm các xã và khu vực bỏ phiếu, toàn huyện Đắk Glong có hơn 30.800 cử tri tham gia bầu cử. Tuy nhiên với đặc thù là địa phương có đông dân di cư mới đến, Đắk Glong chú trọng hơn việc rà soát, bổ sung, đảm bảo 24 giờ trước giờ bỏ phiếu, mọi công dân của huyện đủ 18 tuổi trở lên đều được tham gia bầu cử.

Sơn La: Cử tri ở xa trung tâm được bố trí hòm phiếu lưu động 

Tỉnh Sơn La đã thành lập 217 ủy ban bầu cử, 1.404 ban bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đến ngày 21-5, tại 1.951 khu vực bỏ phiếu trong toàn tỉnh Sơn La đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân về bầu cử và thông báo cho cử tri biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Thái, Mông, Dao.

Các cử tri người Ba Na tại làng Hà Giao bỏ phiếu bầu cử.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đặc biệt tỉnh chú trọng công tác bầu cử ở các điểm bỏ phiếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc.

Ông Lưu Minh Quân, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh có 133 bản cách xa trung tâm, cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất khó khăn. Để khắc phục, tỉnh bố trí các hòm phiếu lưu động, thông báo cho nhân dân tập trung ở 1 điểm, ban bầu cử sẽ mang hòm phiếu đến để cử tri thực hiện quyền của mình.

Bình Dương: Công nhân thay phiên ca để bỏ phiếu

Bình Dương là tỉnh có đông đảo công nhân đang sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp. Ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương cho biết: Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ở Bình Dương đã hoàn thành đúng tiến độ, thời gian quy định, bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử được các ngành phối hợp cùng các địa phương xây dựng phương án, biện pháp để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử.

Ở Bình Dương có trên 50% cử tri tạm trú (734.910 người), phần lớn là công nhân lao động nhập cư nên lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung công tác bầu cử vào đối tượng này.

Thanh niên quận 5, TP HCM tham gia cổ động, tuyên truyền cho ngày bầu cử.

Ông Lê Nho Lượng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương cho biết: Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đang quản lý 10 khu công nghiệp (Bình Đường, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Đồng An, Việt Hương, Đại Đăng, Sóng Thần 3, Kim Huy, Phú Gia, Đồng An 2) với tổng số công nhân lao động là 132.764 người.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền được đơn vị thực hiện khá bài bản, nghiêm túc, bảo đảm 100% công nhân lao động được tuyên truyền Luật Bầu cử. Nhiều doanh nghiệp còn đề xuất phương án cho công nhân lao động nghỉ việc hoặc làm thay phiên ca để bảo đảm mọi công nhân lao động đều được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Hà Tĩnh: Công nhân khu kinh tế Vũng Áng sôi nổi chờ bỏ phiếu

Còn tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) - địa phương sẽ có hàng nghìn công nhân ở khu kinh tế Vũng Áng tham gia bỏ phiếu tại đây, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.

Sáng 21-5, tại điểm bỏ phiếu số 9 ở hội trường thôn Hải Phong 1 của xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, đông đảo công nhân của Công ty Cổ phần Vũng Áng Việt – Lào đến xem tiểu sử tóm tắt các ứng cử viên. Tại đây, danh sách, tiểu sử ứng cử viên được tổ bầu cử niêm yết công khai, đặt nơi trang trọng, tạo thuận tiện cho người dân theo dõi.

Cầm trên tay chiếc thẻ cử tri mới được phát, cử tri Vương Khả Anh, (quê xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), công nhân Công ty Cổ phần Cảng Vũng Áng Việt – Lào chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi không về địa phương để tham gia bỏ phiếu do bận công việc nhưng ở đây, anh em công nhân đã được lãnh đạo công ty cũng như chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Là cử tri đại diện cho công nhân lao động, chúng tôi mong muốn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp khi trúng cử sẽ mang tiếng nói của cử tri tới Nhà nước; tiếp tục quan tâm tới đời sống công nhân lao động, có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để anh em công nhân chúng tôi yên tâm lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Ông Bùi Đức Trình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi cho biết: Xã đã thành lập 8 tổ bầu cử với 10 điểm bỏ phiếu tại các thôn, xóm trong toàn xã. Đến nay, công tác chuẩn bị cho việc bầu cử đã hoàn thành, đã phát 6.700 thẻ cử tri cho người dân và trên 250 thẻ cử tri cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ chuẩn bị danh sách ứng cử viên tại điểm bầu cử Quận Đoàn Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.

Bầu cử sớm: Cử tri thực hiện xong trong buổi sáng

Được sự cho phép của Hội đồng Bầu cử quốc gia, ngày 21-5, hơn 3.300 cử tri của tỉnh Kon Tum đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016- 2021, sớm hơn 1 ngày so với bầu cử toàn quốc.

Trong 20 khu vực bỏ phiếu được tổ chức bầu cử sớm ở ba huyện biên giới gồm: Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đắc Glei thì huyện Đắc Glei có số lượng cử tri đông nhất với trên 3.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ- Triêng.

Từ 6h sáng ở 17 khu vực bỏ phiếu tại ba xã đặc biệt khó khăn Đắc Man, Đắc Blô và Đắc Nhoong của huyện Đắc Glei, cử tri đã tập trung đông đủ để thực hiện quyền bầu cử. Nhờ công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo, cử tri ý thức rất rõ về quyền lợi bầu cử nên sau khai mạc, đa số cử tri đã thực hiện xong việc bỏ phiếu. 

Trước đó, 13 khu vực bỏ phiếu thuộc 3 xã ở 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành bầu cử sớm. Đây là những địa phương vùng núi xa, đi lại khó khăn. Đến cuối giờ sáng, 100% cử tri các xã này đã hoàn thành bỏ phiếu bầu cử.

Nguyễn Thành (Tổng hợp)
.
.
.