Cả nước có 1.800 hồ sơ giả mạo để hưởng chính sách người có công

Thứ Ba, 18/04/2017, 13:39
Đó là thông tin mà Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TBXH) Đào Ngọc Dung đưa ra tại phiên chất vấn sáng nay, 18-4.

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nêu ra vấn đề có nhiều trường hợp làm giả, khai man hồ sơ để hưởng chính sách. Nhiều cán bộ làm công tác chính sách vi phạm quy định về nhiệm vụ, tài chính, chiếm dụng nhiều tiền của nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. “Vai trò trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp, lộ trình để giải quyết triệt để vấn đề này?”

Toàn cảnh phiên chất vấn

Giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng dẫn lại, thời gian gần đây Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự nói về vấn đề khai man hồ sơ, chạy chọt lo lót để hưởng chính sách người có công. “Việc này có hay không? Trước hết tôi khẳng định là có. Trong số hơn 2 triệu người có công thì có 0,09% người hưởng không đúng chính sách” – ông nói.

Theo Bộ trưởng, trong hơn 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương tiến hành thanh tra thì phát hiện 12.000 hồ sơ có sai sót. Thậm chí có trường hợp thương binh hạng 1 nhưng sửa thành hạng 2, đây không phải là hồ sơ giả nhưng có sửa sai. Trong 60.000 hồ sơ sai sót thì có 1.800 hồ sơ giả mạo, không đảm bảo cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi.

“Chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan, đồng thời yêu cầu ban hành các quyết định đình chỉ quyết định ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền hưởng sai 130.000 tỷ đồng. Giảm chi cho ngân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng, bao gồm chi sai, chi trùng, cấp sai; xuất toán, thu hồi Ngân sách 13 tỷ đồng trong năm 2016”, Bộ trưởng viện dẫn bằng các con số.

Người đứng đầu ngành LĐ,TBXH nêu ra 3 đối tượng bị giả mạo nhiều qua thanh tra là: Xác nhận thương binh, nhất là trong thời điểm chúng ta áp dụng cơ chế 2 người xác nhận cho nhau; giả mạo hồ sơ chất độc hoá học để được hưởng chính sách ưu đãi; giả mạo hưởng chính sách đối với thanh niên xung phong, trợ cấp 1 lần, hàng tháng…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội

Bàn về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, về nguyên tắc phải bám vào các chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch, lấy chi bộ, nhân dân, các bác lão thành cách mạng hoạt động cùng thời kỳ để làm cơ sở xác nhận… Đặc biệt là giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn đại biểu Quốc hội…

Riêng việc giải quyết hồ sơ tồn đọng năm 2017, cho đến bây giờ đã có 46 tỉnh, thành uỷ có văn bản chỉ đạo; các đoàn ĐBQH cũng đã có ý kiến. Cách đây 1 tuần Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống Mặt trận tham gia giám sát việc giải quyết hồ sơ người có công.

Sau khi hội đồng của tỉnh xét duyệt rồi, sẽ đăng công khai trên 3 số báo, truyền hình ở địa phương. Sau đó 1 tháng không có vấn đề gì thì chuyển lên Bộ, Bộ trưởng sẽ nghe lại, đăng công khai ở Báo Nhân dân, Báo QĐND, báo của ngành. Sau đó không có ý kiến gì thì mới trình Thủ tướng công nhận liệt sỹ, Bộ công nhận thương binh.

“Chúng tôi tin tưởng với cách làm minh bạch, công khai như vậy chắc chắn khó có cơ hội chạy chọt và khai man…” – Bộ trưởng Bộ LĐ,TBXH Đào Ngọc Dung nhận định.

Quỳnh Vinh
.
.
.