Bài ca Tháng Mười

Thứ Bảy, 17/02/2018, 15:07
Một tờ báo lớn ở nước Nga đã nêu lên nhận xét được dư luận báo chí thế giới đồng tình: Năm 2017 ở Việt Nam có ba sự kiện mang ý nghĩa ngang nhau về tầm vóc: Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng; kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga; và những thành tựu ngoạn mục của công cuộc đổi mới.

Là người được tham gia nhiều hoạt động trong đợt kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười, tôi tâm đắc với nhận định nêu trên. 

Tôi nhớ mãi, chiều 30-6-2017, trong cuộc tiếp kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Putin, ông G. Ziuganov, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga cùng ông Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nga sôi nổi thông báo với Đoàn về những hoạt động trọng tâm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười ở hai thành phố lớn là Moscow và Xanh Petecbua trong ba ngày liên tục. 

Năm tháng sau, cũng ở Moscow, tại cuộc tiếp đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Ziuganov xúc động nói rằng, Đảng Cộng sản, nhân dân nước Nga vô cùng cảm động và biết ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho sự kiện trọng đại này những tình cảm đặc biệt. 

Thủ đô Hà Nội đã tổ chức cuộc mít-tinh trọng thể cấp nhà nước có đông đủ các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và gần 4.000 người tham dự ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình sáng 5-11. Trong suốt mấy tuần, 63 tỉnh, thành phố và các ban, bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội… đều tổ chức mít-tinh và có hàng chục hoạt động thiết thực, bày tỏ lòng trân trọng biết ơn đối với Cách mạng Tháng Mười Nga. 

Ông đánh giá rất cao Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc mít-tinh, coi đó là bài tổng kết nhuần nhuyễn giá trị lý luận cũng như thực tiễn về sự lan tỏa tích cực của Cách mạng Tháng Mười đối với thế giới, đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Ông nhắc lại lời Tổng Bí thư khi khẳng định giá trị vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười “Đó là những sự thật lịch sử, không ai có thể phủ nhận được!”

Ba tuần sau sự kiện mít-tinh đó, tôi có vinh hạnh cùng với đồng chí Phạm Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới của Việt Nam chủ trì cuộc Tọa đàm khoa học quốc tế về “Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đối với thế giới”. 

Dự cuộc tọa đàm này có hơn 40 đại biểu các tổ chức hòa bình đến từ Lào, Ấn Độ, Bangladesh, Nepan, Pakistan, Srilanka, Nhật Bản, Triều Tiên, Sip, Jordan, Lebanon, Palestine, Iran, Philippines, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Cu Ba, Mỹ, Venezuela, Brazil, Mexico… 

Trên bục diễn đàn, hầu như những đại biểu có mặt đều đã bày tỏ chính kiến, khẳng định tác động to lớn và sức sống bất diệt của Cách mạng Tháng Mười đối với sự phát triển của nhân loại trong 100 năm qua; lên án và phê phán những luận điệu của các thế lực thù địch hạ thấp hoặc phủ nhận ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng có một không hai này trong lịch sử thế giới. 

Trong phát biểu, nhiều đại biểu ca ngợi Việt Nam là tấm gương của sự trung thành và nhất quán với lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười nên đã đạt được nhiều thành tựu kỳ diệu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa…

Bên hành lang Hội nghị, tôi may mắn gặp đồng chí Pafilic Thanassis, Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Hy Lạp, đồng thời là nghị sĩ Quốc hội Hy Lạp – người rất có thiện cảm với Việt Nam. 

Cách đây hơn 10 năm, biết tin LHQ tổ chức Hội nghị bàn về nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có một số phần tử thù địch lợi dụng diễn đàn tố cáo cái gọi là “Việt Nam đàn áp dân chủ, nhân quyền”, đồng chí tự bỏ tiền mua vé máy bay sang Geneva để phát biểu bác bỏ những luận điệu xuyên tạc đó; khẳng định Việt Nam đã có nhiều thành tựu về dân chủ, nhân quyền, mà thông qua các chuyến thăm Việt Nam, đồng chí được nghe tận tai, nhìn tận mắt. Phát biểu xong, đồng chí phải bay ngay về nước để kịp họp Quốc hội. 

Biết tôi là người vừa đi thăm Hy Lạp về, đồng chí tâm sự rằng: “Sau đại chiến thế giới thứ hai, với trào lưu xây dựng CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, Hy Lạp đã có một số tỉnh, thành phố theo mô hình ấy, nhưng rất tiếc lực lượng Đảng Cộng sản Hy Lạp lúc đó chưa đủ sức dẫn dắt thành công xu hướng tiến bộ như Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm. 

Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp vừa rồi không nằm ngoài quy luật khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản mà Mác và Lê-nin đã cảnh báo. Đồng chí biết đấy, do khủng hoảng nợ công, mấy triệu người Hy Lạp đã phải rời đất nước sang Mỹ và các nước châu Âu tìm việc làm. Vì vậy, ai đó hí hửng cho rằng chủ nghĩa tư bản đang hưng thịnh, còn CNXH đang suy tàn thì đó là điều cảm tính!. Thực tiễn thành công sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam cũng như cải cách, mở cửa ở Trung Quốc giúp chúng tôi củng cố niềm tin vào thắng lợi tất yếu của CNXH…”.

Tối 25-11-2017, UBND thành phố Hà Nội tổ chức đêm liên hoan ca nhạc mừng các đại biểu quốc tế dự Tọa đàm, bà Socorro Gomer trong Ban Thư ký thay mặt các đại biểu, đã nói những lời tự đáy lòng: Chúng tôi từ năm châu đến với Hà Nội, Thủ đô Vì hòa bình, cảm nhận sâu sắc về một đất nước thanh bình, thân thiện đã và đang xây dựng đất nước này “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” – như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đã tiếp nhận ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga để lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945; nay đang vững bước trên con đường xây dựng CNXH. 

Những thành quả vĩ đại ấy đã thật sự truyền niềm tin cho nhân loại yêu chuộng hòa bình nuôi dưỡng khát vọng cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga: xây dựng một xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công; người với người là bạn, sống trong không khí hòa bình, hữu nghị…

Lời nói đầy sức thuyết phục của bà, làm tôi nhớ lại đoạn thơ của nhà thơ Tố Hữu trong “Bài ca Tháng Mười”, viết cách đây 67 năm:

“Ơi người Anh dũng cảm

 Lũy thép sáng ngời ngời

Đây Việt Nam Tháng Tám

Em Liên Xô Tháng Mười!”

và:“Loài người từ đấy

Ca bài ca Tháng Mười!”. 

Nguyễn Hồng Vinh
.
.
.