Lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề - nên hay không?

Thứ Sáu, 02/10/2020, 12:31

Sáng 2/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 17 thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt.


Tham dự phiên họp có Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.

Chuyển 2 chương sang Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 qua hơn 10 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động GTVT với các nước trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trình bày Tờ trình tại phiên họp.

Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, Bộ GTVT thấy rằng, bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật GTĐB năm 2008, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý, điều hành hoạt động GTĐB; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô cho phù hợp với thực tế.

Việc sửa đổi, bổ sung này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các đièu, các chương sẽ tạo nên bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; gắn chiến lược phát triển giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng GTĐB; đổi mới tổ chức GTĐB đảm bảo hợp lý. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật GTĐB (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Dự án Luật gồm 6 chương, 102 điều. So với Luật GTĐB năm 2008 đã bỏ 2 chương: Chương quy định về quy tắc GTĐB và Chương về người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB do hai chương này được đưa vào dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Theo Báo cáo thẩm tra do Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh trình bày, UBQPAN tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật GTĐB (sửa đổi) để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động GTVT đường bộ, thúc đẩy sự phát triển của GTĐB và bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân.

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh thảo luận tại phiên họp.

Có ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm TTATGT đường bộ ra khỏi dự án Luật này để đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Nhưng đa số ý kiến UBQPAN cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi Luật GTĐB năm 2008 theo hướng tách các quy định bảo đảm TTATGT đường bộ thành luật riêng. Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật GTĐB năm 2008, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện các vấn đề liên quan đến GTĐB, từ đó tách thành 2 nội dung lớn là GTĐB và bảo đảm TTATGT đường bộ, đồng thời xây dựng thành 2 dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Đề xuất tích hợp giấy phép lái xe và chứng chỉ hành nghề

Về điều kiện hành nghề của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải (khoản 2 Điều 61), nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật là quy định chặt chẽ hơn so với hiện hành, bảo đảm khi hành nghề kinh doanh vận tải người điều khiển phương tiện phải đáp ứng được các điều kiện hành nghề, bảo đảm an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc với quy định "người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề" nhằm thực hiện đúng quan điểm xây dựng Luật vì đây là quy định phát sinh thủ tục hành chính, một loại giấy phép.

ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận tại phiên họp.

Đa số ý kiến UBQPAN đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp, tránh gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia giao thông và bảo đảm tính khả thi.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, nếu nảy sinh thêm chứng chỉ thì không đúng với tinh thần chung của Chính phủ là cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Song phương tiện cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ, do đó nên quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh và nên chăng trong quá trình đào tạo có thêm vấn đề hành nghề?

Bày tỏ quan điểm cá nhân ủng hộ quy định chặt chẽ hơn nhưng theo Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh cách thực hiện phải phù hợp hơn. "Ông lái xe gia đình thì khác, còn lái xe khách, đằng sau là tính mạng mấy chục con người, không phải cứ có bằng lái và có xe là có thể nhảy lên lái được", ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phân tích. Ông đề nghị có hướng quy định cụ thể để vừa đảm bảo quy định pháp luật nhưng cũng vừa tạo thuận lợi cho người dân, ví dụ nâng giáo án lên trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe chứ không nên thêm chứng chỉ.

Ủy viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Thị Xuân thảo luận tại phiên họp.

Cũng liên quan nội dung này, Ủy viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Thị Xuân băn khoăn liệu việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải này đã có báo cáo đánh giá tác động hay chưa. Theo bà,  GTVT là ngành nghề đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe người tham gia giao thông, hành khách mà còn ảnh hưởng tài sản của người dân. "Tôi hoàn toàn đồng ý sự phân tích của đại biểu Trần Ngọc Khánh nhưng xin đề xuất tích hợp giấp phép lái xe và chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải là một", bà nói.

Theo đó, trong giáo trình đào tạo lái xe, đối với lái xe vận tải hành khách cần bổ sung các nội dung liên quan đến kỹ năng, kỹ thuật, sử dụng trang thiết bị lắp trên xe, ứng dụng công nghệ thông tin... Việc tích hợp này không chỉ tránh lãng phí thời gian cho lái xe mà còn tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính. Nữ ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất có giải pháp để khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng một cách thuận tiện, đảm bảo an toàn. Bởi kinh nghiệm ở các nước phần lớn người dân tham gia giao thông công cộng rất tốt, giảm mật độ phương tiện cá nhân và đây cũng là giải pháp giảm ùn tắc giao thông...

Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt kết lại nội dung thảo luận.

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, khi xây dựng dự án Luật GTĐB năm 2008, Bộ GTVT cũng đã thảo luận nhiều về vấn đề phải kiểm soát người lái xe kinh doanh vận tải như thế nào, song qua thực tiễn nhận thấy việc đưa vào chương trình đào tạo hay để cho các doanh nghiệp tự tổ chức lớp tập huấn đều chưa thực sự hiệu quả. "Do đó, từ tập huấn, đào tạo chuyển sang chứng chỉ hành nghề là để nâng tầm lên, có sự quản lý của nhà nước, chứ không phải tự mỗi doanh nghiệp quyết định việc này", Thứ trưởng Bộ GTVT lý giải.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận, đề nghị bổ sung rõ hơn trong dự thảo Luật các quy định về đường trong khu đô thị, đường trong khu công nghiệp, đường mòn lối mở khu vực biên giới... "Đường làm chỉ cho khu dân cư sử dụng cũng phải có biển, vạch kẻ đường và phải có quy định cụ thể, để xảy ra những trường hợp đột xuất chúng ta có cách xử lý. Ví dụ, khu đô thị ấy ở gần trục đường chính mà trục đường chính có tai nạn giao thông làm tắc đường. Nếu mình cần sử dụng đường của khu đô thị để thông xe thì cũng cần quy định trong luật đến lúc đó ai là người có thẩm quyền quyết định việc đó", Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh nêu.

Quỳnh Vinh
.
.
.