Bộ trưởng Giáo dục: Các trường không thể khi vào hứa rất nhiều, khi ra thì bỏ mặc

Thứ Tư, 06/06/2018, 09:25
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề thất nghiệp các nhà trường không chỉ đợi thông tin về thị trường lao động mà từng trường phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở ngành đào tạo.

Sáng nay, 6-6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về 3 nhóm vấn đề: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Bộ trưởng xin chịu trách nhiệm trước phiên chất vấn

Dành 5 phút báo cáo trước Quốc hội trước khi bước vào phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành giáo dục hiện nay với hơn 2,2 triệu học sinh, sinh viên; hơn 1,4 triệu giáo viên, liên quan đến mọi người, mọi nhà. Ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thừa nhận bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót, có những vấn đề gây bức xúc nhân dân, nhiều việc chưa đạt được như kỳ vọng của Quốc hội, cử tri, nhân dân…

“Chúng tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được, sẽ cùng với các bộ ngành, địa phương dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Có tới 63 ĐBQH đăng ký chất vấn từ đầu giờ sáng, phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khá sôi nổi do liên tục có đại biểu tranh luận sau mỗi lượt trả lời, dù hệ thống âm thanh gặp trục trặc và nhiều lần bị gián đoạn.

ĐBQH Đào Tú Hoa (Hà Nội) đặt vấn đề, hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí cho xã hội và gây bức xúc cho nhân dân. Việc này có nhiều nguyên nhân từ các Bộ, ngành, trong đó, có Bộ GD-ĐT và chính người học. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?

ĐBQH Đào Tú Hoa

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc 200.000 sinh viên thất nghiệp hôm qua Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời rõ.

Về khía cạnh của ngành, việc thất nghiệp 200.000 sinh viên là có thật nhưng để giải quyết căn cơ vấn đề cần phải nâng cao chất lượng.

Chất lượng theo ông không phải ở các thầy cô theo kiểm định mà cần chuẩn theo kiểm định quốc tế và thị trường. Nên giải pháp cần phối hợp với thị trường, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông thông tin, vừa rồi, Bộ đã có quyết định để quy định quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin có phương án đào tạo gắn với thị trường lao động, mở rộng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình khác nhau trong đào tạo, cùng nhau trong chuỗi nâng cao chất lượng đào tạo…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề thất nghiệp các nhà trường không chỉ đợi thông tin về thị trường lao động mà từng trường phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở ngành đào tạo.

“Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra rất nghiêm công tác đào tạo, các trường không phải muốn mở ngành gì thì mở, mà phải gắn với thị trường, phải có trách nhiệm với học sinh, chứ không thể khi vào thì hứa rất nhiều nhưng khi ra thì bỏ mặc” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

2-5 năm tới các trường yếu kém phải sáp nhập, giải thể

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chất vấn, đối với các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Dự án Làng đại học Đà Nẵng bao giờ mới triển khai được, 22 năm quy hoạch vẫn để đây, người dân trong dự án đời sống rất khó khăn…

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh là có thật.

“Chúng tôi đã đi giám sát và có lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện sẽ phải sát nhập, giải thể” – Bộ trưởng nêu giải pháp.

Đối với Làng Đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong nay mai. Ông cho hay, phải có các nguồn lực để phát triển Đại học Đà Nẵng, trước mắt phải chú trọng giải phóng mặt bằng…


Quỳnh Vinh
.
.
.