Bộ trưởng Nông nghiệp: Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn

Thứ Bảy, 13/06/2020, 17:05
"Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp.


Chiều nay (13/6), thông tin thêm về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ đầu năm đến nay, tất cả các ngành đều chịu tổn thương, nhưng riêng ngành nông nghiệp thì tổn thương này ở mức độ gay gắt hơn, bởi chịu hai rủi ro tác động kép: tác động cực đoan của thời tiết khí hậu và dịch bệnh COVID-19.

Dự kiến quý 4 mới bù đắp đủ thiệt hại đàn lợn do dịch tả Châu Phi

Về giải pháp để giảm giá lợn hơi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bộ đang chỉ đạo đẩy nhanh việc tái đàn lợn an toàn, bền vững và dự kiến đến quý 4 năm nay, đàn lợn trên cả nước mới bù đắp lại đủ thiệt hại 20% (tương đương với 6 triệu con lợn) đã bị mất do dịch tả lợn Châu Phi hồi cuối năm 2019.

“Đảm bảo tái đàn nhưng phải bền vững vì nguy cơ bùng phát lại dịch tả lợn Châu Phi rất cao. Hiện, Trung Quốc đã có tới 23% bị bệnh trở lại. Do đó không thể tái đàn một cách bừa bãi được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khuyến cáo người dân đa dạng sản phẩm thay vì chỉ dùng thịt lợn, đồng thời tăng cường khâu thương mại để làm sao kiểm soát không để trục lợi, tăng giá, từ đó từng bước giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý. "Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp.

Trước đó, nhiều đại biểu quan tâm đến giá thịt lợn tăng không hạ, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ chăn nuôi. Một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do Bộ Nông nghiệp và PTNT không báo cáo đúng tình hình, không có sự hỗ trợ kịp thời cho nông dân.

Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhắc đến việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lên cao mà không thể giải quyết được suốt hơn 1 năm qua; hay sự lúng túng, thiếu nhất quán trong việc dừng hay cho xuất khẩu gạo.

“Tôi cho rằng các bộ có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế ngành như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về việc này”, đại biểu Xuân nói.

 Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm xuống và đẩy giá thịt lợn lên cao, dao động 90.000-100.000 đồng/kg. Hơn nữa hiện nay, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn còn ít, trong khi có nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn. Các hộ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, chưa có gói kích cầu nào hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn giúp tập trung tái đàn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị cần có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi được gây đàn, tái đàn. Đặc biệt, kích cung đảm bảo nguồn cung trong cả nước, không cần nhập khẩu lợn để tự chủ được nền kinh tế. Đồng thời, có chính sách kiểm soát giá thịt lợn, quan tâm hỗ trợ vốn và phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả.

Không thể nói thịt lợn đắt thì chuyển qua ăn thịt gà, trứng…

Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng về vấn đề giá thịt lợn, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) “chia sẻ những khó khăn với ngành nông nghiệp về dịch tả lợn Châu Phi từ cuối năm 2018”, nhưng những giải pháp Bộ trưởng nêu ra thì “tôi chưa đồng tình”. Đồng ý rằng ở đây là vấn đề quy luật cung - cầu, cung thiếu trong khi cầu nhiều nên vừa qua mệnh lệnh hành chính không hiệu quả, giải pháp đưa ra không thể nói rằng “thịt lợn đắt quá thì chuyển qua ăn thịt gà, trứng gà…”. “Đề nghị Bộ trưởng xem lại giải pháp của mình”, đại biểu Thái Trường Giang thẳng thắn. 

Đại biểu Thái Trường Giang

Qua theo dõi các hộ chăn nuôi, đại biểu Thái Trường Giang nhận thấy, việc nuôi gia công cho các doanh nghiệp, bà con thu được tiền công 4.000 đồng/kg thịt lợn. Đến khi khó khăn, thì người nuôi không được lợi gì nhiều, còn người tiêu dùng thì giá cao; tư thương với các doanh nghiệp điều chỉnh sẽ làm cho giá thịt lợn không thể giảm. Bây giờ phát sinh thêm chuyện nhập lậu ở các tỉnh giáp biên giới. “Đề nghị Bộ trưởng xem lại vấn đề này”, đại biểu Thái Trường Giang nói. 

Đại biểu Thái Trường Giang cũng đề nghị, Chính phủ xem việc điều hành giá, và ngoài giá thịt lợn thì còn vấn đề giá xăng. Ví dụ, giữa tháng 3 vừa qua, giá xăng giảm 50% nhưng các mặt hàng khác, dịch vụ khác không hề giảm theo giá xăng. Ngược lại, khi giá xăng tăng thì tất cả các loại mặt hàng khác đều tăng theo xăng. “Chính phủ cần xem lại các giải pháp và điều hành, điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý”, đại biểu Thái Trường Giang đề nghị.


Thu Thuỷ
.
.
.