Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Việt Nam sẽ tập trung phát triển chế biến hải sản

Thứ Tư, 06/11/2019, 09:57
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết chúng ta đang đánh bắt quá mức hải sản và cần có những thay đổi mang tính căn cơ để giải quyết vấn đề này.


Việt Nam xuất khẩu 650 triệu USD cá ngừ mỗi năm

Sáng 6-11, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về công tác đánh bắt hải sản, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vùng biển Việt Nam có nhiều loại hải sản giá trị cao, trong đó cá ngừ là một sản vật có giá trị xuất khẩu hàng năm lên đến 650 triệu USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

"Tuy nhiên, nếu chúng ta làm tốt hơn thì giá trị sẽ còn cao hơn. Chúng ta có những mô hình đánh bắt tích cực của Khánh Hoà, Bình Định, chúng ta có danh nghiệp chế biến 30 sản phẩm cá ngừ trong nước mà không cần xuất khẩu", ông Cường nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác sản xuất nói trên là một điểm sáng, song chưa làm được trên đại trà. "Chúng ta có thể nâng cấp đôi, gấp ba (giá trị xuất khẩu cá ngừ-PV) nếu ta có công nghệ chế biến, tổ chức khai thác tốt hơn", Bộ trưởng nêu.

'Chúng ta đang đánh bắt quá mức'

Liên quan đến vấn đề đánh bắt hải sản theo câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trữ lượng hải sản trong vùng biển của chúng ta ước khoảng 4,7 triệu tấn. Tuy nhiên, chúng ta hàng năm đánh bắt từ 3,1 đến 3,2 triệu tấn. Số phương tiện đánh bắt cá lớn nhiều, trong đó số tàu đánh cá dài hơn 24m có đến trên 2.600 chiếc.

Một con cá ngừ lớn được ngư dân miền Trung đánh bắt.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung vào các giải pháp là không tập trung vào tăng sản lượng khai thác nữa mà đi tập trung phát triển khâu chế biến.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới Chính phủ cũng sẽ hướng tới đẩy mạnh nuôi cá biển, trồng rong, tảo biển. Ông Cường khẳng định Việt Nam hiện có hơn 500.000 ha vùng biển có thể sử dụng để nuôi hải sản.

"Tiếp đó, chúng ta cần tìm các sinh kế khác cho bà con nông dân. Đây là những cách để chúng ta tìm được một ngành khai thác biển bền vững", Bộ trưởng nói.

Liên quan đến vấn những nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng khai thác hải sản của Uỷ ban châu Âu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết cần nghiêm túc triển khai việc lắp đặt các thiết bị định vị cho tàu cá. Đây là cơ sở quan trọng nhất chứng minh ngư dân không vi phạm ngư trường khi tham gia đánh bắt.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ siết chặt quản lý các chi cục thuỷ sản trong vấn đề này. "Chi cục thuỷ sản nào buông lỏng thì sẽ xử lý", ông Cường khẳng định.

Giải pháp nào giúp ngư dân thoát cảnh trở thành con nợ xấu?

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu băn khăn về việc nhiều ngư dân trở thành con nợ xấu và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp giải quyết vấn đề này. Đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) thì chất vấn về thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân, đến nay có hơn 60 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nợ xấu tồn đọng lớn. 

Tàu cá của ngư dân neo đậu trong cảng.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đúng là có tình trạng nhiều chủ tàu trở thành con nợ xấu, con nợ quá hạn của ngân hàng.

Theo Bộ trưởng, việc hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ – CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (tàu 67), thì có một số tàu khai thác hải sản hiệu quả, song không ít tàu đóng mới chỉ sau thời gian ngắn hạ thủy đi vào hoạt động đã bị thua lỗ, khó có khả năng trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Bộ trưởng Cường nhận định, việc ban hành Nghị định là cần thiết để vừa phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, với 5 nhóm nội dung là hỗ trợ khuyến khích bảo hiểm; trang thiết bị tàu, ngư cụ và phương tiện đánh bắt; hỗ trợ hậu cần; hỗ trợ phương tiện mới.

Tuy nhiên, trong số các tàu sắt đóng mới (358 chiếc), chiếc có 55 chiếc nằm bờ không ra khơi được. Nguyên nhân là đánh bắt không hiệu quả, ngư trường quá tải; chủ tàu mất, hoặc không có điều kiện hoạt động nên muốn chuyển đổi…

Ông Cường cho rằng, một số nội dung của Nghị định số 67 về hỗ trợ khuyến khích vay vốn đóng tàu mới tỏ ra không phù hợp, không tạo ra tác dụng mà tạo tâm lý ỷ lại của không ít chủ tàu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 thay thế Nghị định 67. Theo đó, thay vì vay vốn lớn để đóng tàu, ngư dân được hỗ trợ sau đầu tư.

Trả lời thêm về vấn đề hỗ trợ ngư dân vay tiền đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết hiện tổng dư nợ cho vay là 10.500 tỉ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 33%. 

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc và thu lãi sau. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu phương án để chính quyền địa phương quy hoạch lại các nhóm nghề khai thác, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại khai thác hiệu quả hơn. 

Ông Hưng cũng đề nghị Bộ phối hợp với các ngân hàng rà soát các trường hợp nợ xấu. Trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục có biện pháp hỗ trợ, còn trường hợp chây ì, cố tình không trả thì phải kiên quyết thu hồi.

Các bộ ngành cũng sẽ hoàn thiện cơ cấu chuyển đổi chủ tàu, trong đó đặc biệt có giải pháp để hạn chế chênh lệch giá chuyển đổi giữa chủ cũ và chủ mới.


Quỳnh Vinh - Thiện Minh
.
.
.