Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Mạng xã hội bây giờ không phải là ảo mà là thật”

Thứ Tư, 31/10/2018, 18:57
"Mạng xã hội bây giờ không phải là ảo mà là thật, nên chúng ta không nên bỏ trống trận địa này. Đặc biệt người dân, chính quyền đều sống nhiều hơn nữa trên không gian mạng, cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi" - Bộ trưởng nói.


Chiều 31-10, ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đã gửi tới hai câu chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Thứ nhất, trên mạng xã hội có một số cá nhân tự cho mình quyền muốn nói gì thì nói, muốn xúc phạm ai thì xúc phạm. Một ví dụ là sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vừa rồi có rất nhiều phát ngôn xúc phạm đến các Bộ trưởng, thậm chí có cá nhân đăng lên câu “đại diện cho dân, đi ngược lòng dân”.

“Tôi xin hỏi Chính phủ và Bộ Công an là có cần xử lý và có xử lý được tình trạng này không?” – ông chất vấn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ hai là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cho đến Quốc hội khóa này, đại biểu chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) rất nhiều lần về nạn sim rác. Sau những giải pháp quyết liệt của Bộ thì tình trạng sim rác này đã giảm, nhưng vẫn còn tồn tại.

“Rất may là lần này chúng ta có đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT xuất thân từ nhà mạng di động lớn. Tôi xin hỏi đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng có chấm dứt được sim rác không, mặc dù Bộ trưởng mới nhậm chức nhưng tôi mong Bộ trưởng “khuyến mại” cho Quốc hội một câu trả lời để tiện giám sát sau này”, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận dí dỏm hỏi.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời cả hai câu hỏi đại biểu đưa ra. Theo ông, câu chuyện thông tin sai ở trên mạng xã hội là một câu chuyện toàn cầu, kể cả nước lớn như Mỹ, nước nhỏ như Timor Leste cũng bị và càng ngày càng nặng hơn. Chúng ta sống trên không gian mạng mới được 10 năm và cũng chưa nhiều kinh nghiệm, sự phát triển chắc còn tiếp tục.

“Trong đời sống thực, chúng ta đã có kinh nghiệm nhiều nghìn năm. Một số logic trong đời sống thực có thể mang áp dụng sang không gian ảo để xử lý câu chuyện thông tin sai”, Bộ trưởng nói.

Theo ông, thứ nhất, chúng ta phải định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai bằng pháp luật. Việc này phải sửa một số quy định pháp luật.

Thứ hai, chúng ta phải có công cụ giám sát, phân tích, đánh giá, tức là phải dùng công nghệ. Một ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt có khoảng 100 triệu thông tin, chúng ta không thể dùng người được.

Toàn cảnh hội trường

“Hiện nay, Bộ TT&TT đã bước đầu xây dựng được một trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng. Có thể đọc được 100 triệu tin một ngày, phân tích, đánh giá, phân loại”, Bộ trưởng cho hay.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng, chúng ta phải có công cụ quét rác. Đây cũng là câu chuyện vừa pháp luật vừa công nghệ. Một, phải chỉ ra một đầu mối xử lý việc này, và việc này Chính phủ phải ra quyết định. Hai, công cụ quét rác, dọn dẹp là kỹ thuật, công nghệ, có thể làm được.

Đồng thời với nó, khó khăn của chúng ta có những mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đặc biệt là các yêu cầu về gỡ bỏ thông tin.

“Việc này chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quốc tế, EU làm rồi, các nước ASEAN thì một số nước đã làm. Quan trọng nhất là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật. Đồng thời chúng ta cũng phải có chế tài xử lý những người đưa thông tin sai trên mạng” – ông nhấn mạnh.

“Mạng xã hội bây giờ không phải là ảo mà là thật, nên chúng ta không nên bỏ trống trận địa này. Đặc biệt người dân, chính quyền đều sống nhiều hơn nữa trên không gian mạng, cái tốt lớn lên thì cái xấu giảm đi. Cũng như nâng cao nhận thức của người dân là thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên không phải cái gì chúng ta xem cũng tin ngay”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Về sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, vấn đề này gốc nằm ở chỗ chúng ta phải có một cơ sở dữ liệu công dân chính xác, phải xác định được mối quan hệ giữa người đến đăng ký gắn vào sim và gắn vào chứng minh thư nhân dân.

 “CMND hiện nay nhiều nước đã cài vào ID duy nhất, ảnh, vân tay, khi người đến đăng ký chìa CMND ra cắm vào máy là hiện vân tay và ảnh. Công ty cung cấp sim chỉ cần chụp ảnh và so với cơ sở dữ liệu đấy. Nếu ảnh trùng với ảnh trong chứng minh thư thì đây đúng là người sở hữu chứng minh thư đó. Như thế sim sẽ gắn vào chứng minh thư và gắn vào đúng người đó. Đây là giải pháp căn cơ nhất” – Bộ trưởng phân tích.

Ông cũng nhận định, vừa qua chúng ta dùng khá nhiều biện pháp, cũng tốt lên nhưng để thực sự căn cơ thì cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu công dân. Cái này không chỉ riêng câu chuyện sim rác mà cho cả câu chuyện Chính phủ điện tử.


Quỳnh Vinh
.
.
.