Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà:

"70% khu công nghiệp, nhà máy điện, xi măng sẽ “vướng” Luật Hình sự"

Thứ Bảy, 27/05/2017, 20:31
Cho rằng với thực tế công nghệ và điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay, việc quy định liều lượng xả thải ra môi trường vượt tiêu chuẩn với nước, khí thải, bụi... nên cân nhắc thời điểm áp dụng, nếu không, 70% khu công nghiệp, nhà máy điện, xi măng sẽ vi phạm quy định của Bộ Luật hình sự đang được cân nhắc sửa đổi.


Phát biểu về tội phạm môi trường quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận sự khó khăn khi lượng hóa các vi phạm. “Nhiều đại biểu thắc mắc quy định tính nồng độ như vậy, định lượng như vậy đã  đảm bảo cơ sở chưa, phù hợp thực tiễn chưa? Chúng ta có cơ sở từ những thông lệ quốc tế đã có, từ việc kiểm tra thời gian vừa qua... tức là đã có tính toán có cơ sở thực tiễn, dù cơ sở khoa học là chưa thể” – Bộ trưởng cho biết.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng các nhà máy điện, xi măng... trong quá trình vận hành đều có khả năng có bụi, khí thải không gây nguy hại đến môi trường, nên đồng nhất bụi, khí và bụi khí có thành phần chất thải nguy hại sẽ khó khăn trên thực tiễn, nhiều DN không đáp ứng được.

“Phải tính đến quá trình phát triển và thực tiễn công nghệ hiện nay khi áp dụng Bộ luật hình sự này, nên phải tính thời điểm nào đó để áp dụng liều lượng, đặc biệt là quy định xả ra môi trường vượt quy chuẩn với bụi, khí, nước thải. Với liều lượng thế này, 70% khu công nghiệp, nhà máy điện, xi măng sẽ rơi vào phạm vi điều chỉnh của luật”. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi thảo luận

Ở điều 239 – tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị bổ sung pháp nhân vào điều luật, bởi vi phạm có cả pháp nhân và cá nhân. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị xem xét tính tương tích của hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự với các luật khác, bởi có vi phạm luật xử lý hành chính quy định phạt đến 1 tỷ đồng, thì Bộ luật hình sự đưa xuống có 50 - 500 triệu, trong khi đã tính đến xử lý hình sự thì phải có nghiêm khắc cao hơn.

Trước đó, góp ý về tội gây ô nhiễm môi trường, Điều 235, ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng “các dấu hiệu cấu thành tội phạm, ở đây chỉ cần có hành vi xả thải, chôn lấp các chất thải trên mức độ cho phép là bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự. Về mặt hậu quả, thiệt hại vật chất, tính mạng, sức khỏe do các hành vi này gây ra là tất yếu, nhưng không được đề cập đến trong bộ luật. Tôi đề nghị bổ sung tình tiết "hậu quả nghiêm trọng và tính mạng sức khỏe và vật chất" vào tội này”.

Cũng liên quan đến điều 235, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị không quy định đo lường, xả thải nước và không khí bằng m3 để tính mức độ ô nhiễm môi trường, vì khó để xác định thiệt hại về ô nhiễm xảy ra. 

“Có thể lưu lượng thải giống nhau nhưng ô nhiễm khác nhau, xả thải ít nhưng mức độ ô nhiễm nhiều, và có những trường hợp, nhà máy ống khói cao chọc trời thì làm thế nào để đo được. Doanh nghiệp có thể xả nhiều và không đo đếm được, vì vậy cho nên, nên chọn mức độ hậu quả gây ô nhiễm thiệt hại để quy định mức hình phạt hoặc kết hợp cả mức đo độ xả và mức gây ô nhiễm thực tế. Ví dụ như Vedan-Formosa chẳng hạn, vừa rồi chúng ta không đo đếm được bằng m3”. Đây cũng là điều ĐB Dương Quang Thành (Hà Nội) kiến nghị.

Bày tỏ quan ngại về tội phạm môi trường, ĐB Phạm Đình Cúc cũng nhấn mạnh: “Thời gian vừa qua, tình hình gây ô nhiễm môi trường diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, với một số hành vi, dự thảo lần này chỉ quyết định hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, trong khi Bộ luật hình sự năm 2015 quy định phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Theo tôi, như vậy sẽ không phù hợp với tính chất của tình hình gây ô nhiễm hiện nay và không có tính chất răn đe giáo dục. Vì vậy, tôi đề nghị Khoản 1, Điều 235 của Bộ luật hình sự này phải giữ nguyên quy định của Bộ luật hình sự năm 2015”.

Vũ Hân
.
.
.