Bổ sung quy định pháp lý, xử nghiêm vi phạm để răn đe

Chủ Nhật, 21/06/2020, 09:10
Các quy định về hành vi, mức, khung xử phạt vi phạm về an toàn giao thông được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật, nghị định liên quan. Qua nhiều lần chỉnh sửa, xu hướng tăng nặng mức phạt và mở rộng diện phạt được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, từ thực trạng tài xế uống rượu bia rồi lái xe, gây tai nạn nghiêm trọng, so sánh luật pháp của nhiều nước trên thế giới, đòi hỏi phải tăng nặng chế tài và áp dụng nghiêm các quy định pháp luật.


Luật pháp các nước, những quy định nghiêm khắc

Pháp luật nhiều nước trên thế giới quy định hình thức xử lý nghiêm khắc đối với tài xế lái xe uống rượu bia. Pháp luật Trung Quốc quy định mức cồn trong máu từ  trên 0,08%, dù chưa gây tai nạn, người vi phạm có thể bị phạt tù 3 năm và bị cấm lái xe trong 5 năm. 

Nếu tài xế gây thương tích nghiêm trọng hoặc làm chết người, giấy phép lái xe sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn. Tại Nhật Bản, nồng độ cồn từ trên 0,03% - 0,79%, tài xế bị phạt đến 4.000 USD (hơn 93 triệu đồng) và 3 năm tù. Từ 0,08% trở lên, người vi phạm bị phạt tối đa 8.800 USD (hơn 205 triệu đồng) và 5 năm tù.

Đối với những lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, họ có thể bị quy vào tội chống người thi hành công vụ với mức phạt tương đương hoặc nặng hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu. Pháp luật Nhật Bản quy định hình phạt tội say rượu lái xe gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn gây chết người và cao nhất 15 năm đối với tai nạn không gây chết người (ở Việt Nam, gây tai nạn chết nhiều người, hình phạt cao nhất chỉ 15 năm).

Một buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông.

Ở Singapore, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam. Nếu tái phạm lần hai, tài xế sẽ bị phạt tù từ 6 - 12 tháng và phạt tiền từ 3.000 - 10.000 SGD (từ 50 - 130 triệu đồng). Tài xế tái phạm lần ba sẽ bị phạt 30.000 SGD (510 triệu đồng) và 3 năm tù cùng tước bằng lái vĩnh viễn.

Với Hàn Quốc, luật pháp quy định rất nghiêm khắc, nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, ngay cả không gây tai nạn thì lái xe đã bị quy vào tội hình sự, phạt tù 3 năm và 10 triệu won (khoảng 8.800 USD hay 206 triệu đồng), bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ. Ngoài ra, nếu chống lại yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự.

Nếu không có lý do chính đáng, người lái xe không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát sẽ bị bắt ngay lập tức. Còn tại Anh, người uống rượu ngồi vào ghế lái, thậm chí còn chưa kịp điều khiển phương tiện đã bị phạt nếu cảnh sát phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép.

Như vậy, luật pháp các nước đều có quy định cụ thể và nghiêm khắc đối với người uống rượu bia lái xe, tùy mức độ cồn mà có thể bị xử lý hình sự chứ không cần hậu quả tai nạn.

Tăng nặng chế tài, đảm bảo tính răn đe

Khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn...

Theo điều khoản này, tài xế sử dụng rượu bia, tham gia giao thông gây tai nạn đối diện khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù. Tuy nhiên, khung hình phạt này không phân chia các mức vi phạm về nồng độ cồn. Do đó, một người dù uống rượu bia vượt ngưỡng ở mức thấp nhất với người uống rượu bia say xỉn, điều khiển phương tiện gây tai nạn thì tính chất, mức độ nguy hiểm rất khác nhau song vẫn chỉ nằm trong một quy định xử lý của khoản 2, điều luật này.

Điểm nữa, tại khoản 2 đã đặt hành vi vi phạm về nồng độ cồn cùng mức với các hành vi khác như: Không có giấy phép lái xe; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng... Trong khi đó, tại khoản 3 (khung hình phạt nặng nhất là 15 năm tù) lại “vắng bóng” quy định vi phạm về nồng độ cồn. Như vậy, người tham gia giao thông dù uống rượu, bia đến say xỉn, gây tai nạn nếu không thuộc hậu quả quy định tại khoản 3 thì hình phạt cao nhất chỉ là 10 năm tù. Trong khi đó, người không vi phạm về nồng độ cồn nhưng nếu gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đến 1,5 tỉ đồng thì sẽ bị khép vào khoản 3, hình phạt cao nhất 15 năm tù. 

Chúng tôi cho rằng, việc lấy thiệt hại về tài sản làm “thước đo” định khung trong điều luật này gây các bất hợp lý, trong khi chế tài đối với lái xe sử dụng rượu, bia không được quy định ở khung hình phạt cao nhất trong điều luật (7-15 năm tù) là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của vấn nạn rượu, bia khi tham gia giao thông. 

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với trường hợp lái xe uống rượu bia đến mức say xỉn, gây tai nạn chết người thì cần phải xử lý về tội “giết người”. Cụ thể, khi uống đến say xỉn, tức là người đó không còn kiểm soát được hành vi. Người không còn kiểm soát được hành vi mà điều khiển phương tiện cơ giới thì hậu quả chết người là nhìn thấy trước, biết trước mà vẫn cố ý thực hiện, ở đây xe chính là phương tiện, là công cụ giết người. Lái xe ôtô trong trường hợp say rượu, bia sẽ dẫn tới hậu quả làm chết nhiều người, hành vi uống rượu là tình tiết tăng nặng.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ lái xe say rượu đâm chết người hàng loạt như vụ xảy ra ngày 11-4-2019 tại Bình Định, xe Lexus 7 chỗ do tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) lao thẳng khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn với tài xế Huyện sau khi gây tai nạn là 0,315 mg/lít khí thở. Hậu quả vụ án là vô cùng thảm khốc, tuy nhiên tài xế chỉ bị khởi tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, BLHS.

Từ tính chất các vụ án người lái xe say rượu, bia đâm chết người, thậm chí chết nhiều người, nếu chỉ xử lý tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là không đánh giá đủ tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của hành vi và điều khoản xử phạt tối đa cho hành vi này chỉ 10 năm tù là thiếu nghiêm minh.

Đối với chế tài hành chính, việc xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia được quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định, người điều khiển phương tiện ôtô chỉ cần có nồng độ cồn là đã vi phạm, dù ở mức nồng độ thấp nhất. Điều này thể hiện nguyên tắc, đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông, bất kể lượng rượu, bia là bao nhiêu. Mức phạt thấp nhất là 2 đến 3 triệu đồng.

Mức phạt cao nhất từ 16-18 triệu đồng (đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng.

Mức phạt nói trên không phải nhẹ, tuy nhiên, trong tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia còn phức tạp như hiện nay, cần thiết có chế tài nghiêm khắc hơn. Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đáng chú ý, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Bộ GTVT đề xuất phạt tiền từ 26 - 30 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 14 - 16 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.  

Trong các biện pháp, việc giáo dục, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để người dân hiểu và thực hiện là biện pháp quan trọng, thường xuyên. Điển hình như sau vụ tai nạn tại hầm chui Kim Liên đã diễn ra đồng loạt các hoạt động tọa đàm, tuần hành, cổ động “đã uống rượu, bia thì không lái xe” diễn ra tại nhiều tỉnh, thành và cộng đồng mạng.

Về pháp lý, trong tình hình vi phạm còn phức tạp như hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung, nâng cao mức xử  phạt là cần thiết. Trong áp dụng pháp luật, cần đảm bảo tính thống nhất, tránh dân sự hóa các vụ án hình sự về tai nạn giao thông, khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ án do lái xe uống rượu, bia gây ra nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Cần tách phần đảm  bảo trật tự an toàn giao thông thành luật độc lập

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, nhìn vào thực tế, chúng ta có thể thấy một số quy định về hành vi vi phạm trong luật hiện nay chưa đủ nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Bởi thứ nhất hình phạt còn nhẹ, thứ hai, khi gây hậu quả nghiêm trọng mới bị coi là tội phạm. Theo đề nghị của Cục CSGT, cần tách phần TTATGT thành một ngành luật độc lập để quy định đầy đủ những quy tắc giao thông, những nội dung cấm của pháp luật đối với người tham gia giao thông, thẩm quyền của lực lượng chức năng.

Trước mắt, cho phép CSGT thông báo vi phạm giao thông đến khu dân cư, cơ quan, đơn vị nơi người vi phạm làm việc để tạo áp lực dư luận, đẩy lùi vi phạm. Bên cạnh đó, nên quy định cắt ngắn thời hạn cấp lại GPLX trong kỳ cấp tiếp theo, bắt buộc sát hạch lại, kiểm tra kỹ phản xạ mắt, thần kinh; không cho phép kinh doanh vận tải trong một thời gian nhất định.

Trong phiên thảo luận về Luật phòng chống tác hại của rượu bia, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV,  đa số đại biểu đều cho rằng cần tăng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu bia rồi tham gia giao thông, trong đó cần cấm vĩnh viễn đối với lái xe uống rượu bia, gây tai nạn nghiêm trọng.

Minh Đăng
.
.
.