Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, trước hết là hiệu quả

Thứ Sáu, 01/06/2012, 18:22
Qui chế vẫn chỉ là quy chế nếu những con người cụ thể không tôn trọng và nghiêm túc thực hiện. Điều chờ đợi lớn nhất vẫn là tinh thần trách nhiệm, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của những người bỏ phiếu tín nhiệm và những đối tượng được/bị bỏ phiếu tín nhiệm với dân, với nước đến đâu.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm đang là đề tài được bàn luận sôi nổi tại Quốc hội. Nó cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là tăng cường phê bình và tự phê bình trong cán bộ, đảng viên. Nhìn chung, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều gần với nguyện vọng chung của cử tri, đó là hoan nghênh việc bỏ phiếu tín nhiệm và đồng tình với những nới lỏng cần thiết để việc bỏ phiếu tín nhiệm được triển khai trên thực tế (10 năm nay, do qui định phải có ít nhất 20% số đại biểu hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thì mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm nên tuy đã có luật nhưng chưa có lần bỏ phiếu tín nhiệm nào được tiến hành). Vấn đề còn thảo luận là bỏ phiếu tín nhiệm với những ai, vào lúc nào và việc xử lý sẽ thế nào sau khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Bỏ phiếu tín nhiệm (thực ra là bỏ phiếu bất tín nhiệm) tại Quốc hội là một biện pháp chỉnh đốn và xây dựng Đảng, Nhà nước rất hiệu quả. Nó không cần quá rộng, chỉ giới hạn ở cấp Bộ trưởng hoặc tương đương Bộ trưởng trở lên. Nó không cần quá dày, chỉ cần mỗi nhiệm kỳ một lần hoặc khi có vấn đề đặc biệt là đủ. Người được nhiều phiếu tín nhiệm sẽ phấn khởi, mạnh dạn hơn trong công tác. Người tuy vẫn trên 50% nhưng số phiếu tín nhiệm không cao sẽ qua đó mà rút kinh nghiệm, tự sửa mình. Người không đủ 50% phiếu tín nhiệm (hoặc bao nhiêu đó) sẽ bị cách chức, bãi chức. Qua bỏ phiếu tín nhiệm, quyền lực của người dân đối với chính quyền “của dân, do dân, vì dân” sẽ được thể hiện rõ hơn thông qua Quốc hội. Nó cũng mở ra một cơ chế giám sát thường xuyên, đầy uy lực đối với các “công bộc” của dân, như Bác Hồ từng gọi. Thiếu cơ chế giám sát ở cấp cao nhất vốn là một khe hở lâu nay.

Nhưng để cho việc bỏ phiếu tín nhiệm thực chất và có hiệu quả thiết thực, cần những điều kiện:

- Phải có quy chế chặt chẽ trước khi bỏ phiếu; cơ chế tuyệt mật về phiếu bầu để các đại biểu phát huy đầy đủ quyền dân chủ, thể hiện đúng ý chí của mình trong lá phiếu (điện tử hay giấy thường).

- Phải có quy chế cụ thể bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu. Đây là một kênh kiểm tra trực tiếp của người dân thông qua Quốc hội do mình bầu ra. Nó cũng nâng cao trách nhiệm của cử tri, không chỉ dừng lại ở lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội.

Nhưng cuối cùng, qui chế vẫn chỉ là quy chế nếu những con người cụ thể không tôn trọng và nghiêm túc thực hiện. Điều chờ đợi lớn nhất vẫn là tinh thần trách nhiệm, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của những người bỏ phiếu tín nhiệm và những đối tượng được/bị bỏ phiếu tín nhiệm với dân, với nước đến đâu

V.D.T.
.
.
.