Bế mạc phiên họp thứ 45 (đợt 1) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ Nhật, 17/05/2020, 07:40
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và sự tập trung cao độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc của phiên họp thứ 45 (với 14 nội dung trong 3 ngày làm việc). Các nội dung đều được tiến hành thảo luận nghiêm túc để cho ý kiến toàn diện.


Chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp lần thứ 45 (đợt 1). Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV; cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Hoàn thành chương trình phiên họp 45 (đợt 1)

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và sự tập trung cao độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc của phiên họp thứ 45 (với 14 nội dung trong 3 ngày làm việc). Các nội dung đều được tiến hành thảo luận nghiêm túc để cho ý kiến toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau khi phiên họp kết thúc, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban tích cực phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện và sớm phát hành Thông báo kết luận phiên họp, làm căn cứ chính thức để các cơ quan thực hiện các bước tiếp theo. Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan bám sát kết luận của phiên họp, khẩn trương hoàn chỉnh các nội dung bảo đảm chất lượng để kịp gửi đại biểu Quốc hội trước kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 9 chỉ còn 3 ngày, vì vậy, các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan cần thật sự khẩn trương, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp đạt chất lượng tốt nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, có sự đồng thuận cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp này sẽ được tổ chức theo hình thức đặc biệt hơn so với thông lệ (họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung). Vì vậy, để kỳ họp tới diễn ra thông suốt, đạt hiệu quả cao, đề nghị các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội theo dõi chương trình, nắm rõ các hướng dẫn và chủ động triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ; Văn phòng Quốc hội tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị mọi mặt điều kiện cơ sở kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn mạng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,… bảo đảm sẵn sàng phục vụ kỳ họp an toàn, hiệu quả.

Miễn nhiệm 2 nhân sự, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia

Tại phiên cho ý kiến về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày: Đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 đến 29/5 (họp trực tuyến); đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 đến ngày 18/6 (họp tập trung tại Hà Nội), dự phòng ngày 19/6/2020.

Về công tác chuẩn bị, đối với chuẩn bị tài liệu, đến thời điểm này, có tương đối ít tài liệu chính thức được gửi đến đại biểu Quốc hội (dự thảo 4 Nghị quyết; Tờ trình của 2 dự án Luật; Báo cáo thẩm tra của 1 dự án Luật; 4/17 nội dung gửi đại biểu tự nghiên cứu). Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

Hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã hoàn thành việc chuẩn bị. Trong đó đã hoàn thiện phần mềm đăng ký phát biểu và biểu quyết được cài đặt trên iPad. Việc đăng ký tranh luận tại Hội trường Diên Hồng thực hiện như các kỳ họp trước, tại các điểm cầu ở 63 địa phương được thực hiện qua đường dây nóng. Việc kiểm tra, rà soát, vận hành thử hệ thống cầu truyền hình, thử nghiệm các phần mềm đã được tiến hành nhiều lần để bảo đảm vận hành thông suốt.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét là nhân sự. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Do đó, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (hiện là Trưởng Ban Dân nguyện) do được phân công nhận nhiệm vụ mới. Nhân sự thay thế vị trí của bà Hải sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ngay sau đó.

Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Toàn bộ nội dung nhân sự này sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại đợt họp tập trung ở Hà Nội từ ngày 8 đến ngày 18/6.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ họp “phiên 45B” giữa hai đợt họp của Quốc hội để xem xét, kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp 9, trên cơ sở sự chuẩn bị đảm bảo thời gian và chất lượng của Chính phủ.

Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và dự kiến Chương trình kỳ họp như Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày; đồng thời thống nhất rằng giữa đợt họp 1 và đợt họp 2 cần có một khoảng thời gian để các Ủy ban hoàn thiện các báo cáo. Ngoài ra, dự kiến sau phiên họp này sẽ có một phiên họp 45B để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề sẽ đưa ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Làm rõ vì sao giá sách giáo khoa tăng 2-3 lần khi xã hội hóa

Chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách nhà nước trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò của Chính phủ và Bộ trong việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời biểu dương việc xã hội hóa sách giáo khoa được thực hiện rất tốt. Đối với một số nội dung còn chậm, cần báo cáo để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, vấn đề nào chưa làm được thì sẽ cố gắng tiếp tục thực hiện.

Phương Thuỷ
.
.
.