Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới

Thứ Sáu, 07/03/2014, 07:30
Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, thường xuyên của Nhà nước và của toàn thể nhân dân. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc là vấn đề mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam, là ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã được xác định nhất quán trong các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Thực tế qua hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định rõ hiệu lực, phát huy vai trò to lớn của các tổ chức, công dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, trong những năm qua, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của nước ta được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố; tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước ngày càng được tăng cường…

Bản Hiến pháp 1992 sửa đổi đã kế thừa những nội dung cốt lõi của các bản Hiến pháp trước, khẳng định rõ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân.

Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Tại Điều 65, quy định rõ: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Đối với lực lượng Công an nhân dân, Điều 67 quy định: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Với quy định về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như trên, Hiến pháp sửa đổi cơ bản vẫn kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, đồng thời khẳng định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. Tuy nhiên, do nội hàm bảo vệ Tổ quốc rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội nên trong Hiến pháp đã quy định khái quát “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân” tại Điều 64. Đối với những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thì được quy định tại các điều 65, 66, 67, 68 và trong các nội dung khác của Hiến pháp. Hiến pháp cũng khẳng định, Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ, công nhân, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc...

Hiến pháp mới khẳng định rõ: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Vì vậy, mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều bị nghiêm trị. Đối với mỗi người Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm và bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình để nhân dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước; phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là niềm vinh dự, tự hào; là quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của mỗi công dân. Tại khoản 2, Điều 44 của bản Hiến pháp mới viết: “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.

Ngoài những nội dung đã được thể hiện tập trung tại Chương IV về bảo vệ Tổ quốc, trong nhiều điều khoản của Hiến pháp luôn khẳng định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” đồng thời nhấn mạnh “mọi hành vi chống lại độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Cùng với việc quy định nội dung cụ thể về trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của toàn dân, để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Hiến pháp đã quy định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hiến định đầy đủ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh của Chủ tịch nước phù hợp với tình hình mới.

Thực tiễn lịch sử dân tộc ta hàng ngàn năm qua đã chứng minh, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước và đã được ông cha ta hiện thực hóa bằng sức mạnh to lớn từ vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự thống nhất trong ý chí và hành động từ Trung ương đến địa phương, coi trọng nhiệm vụ giữ nước đã tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ngày nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế cả bề rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước không ít những thách thức khó khăn, các thế lực phản động, thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu chống phá cách mạng nước ta; những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước thực tế đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phải nhất quán từ nhận thức, tình cảm, ý chí đến hành động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh. Đây vừa là vinh dự, đồng thời vừa là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, công dân. Do đó, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi là một bước tiến mới với việc tiếp tục khẳng định rõ nét vai trò, trách nhiệm của toàn dân, cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở, điều kiện để xây dựng và huy động cao nhất mọi tiềm lực của đất nước cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay

T.C.T.
.
.
.