Bảo vệ tốt chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển

Thứ Ba, 29/05/2018, 17:37
Đó là quan điểm của Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khi thảo luận tại tổ về Luật Cảnh sát biển Việt Nam chiều nay, 29-5.

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam chiều nay, 29-5, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên bày tỏ đồng tình với việc nâng Pháp lệnh Cảnh sát biển lên thành Luật Cảnh sát biển Việt Nam để đảm bảo hành lang pháp lý nhằm thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển.

Thứ trưởng Lê Quý Vương thảo luận tại tổ

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, thời gian qua, lực lượng Công an đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Cảnh sát biển trên rất nhiều nội dung. Ví dụ, đấu tranh chống tội phạm khủng bố trên biển, nhất là có liên quan đến yếu tố nước ngoài. “Trong thời gian qua chúng ta cũng phối hợp chặt chẽ với các nước như Malaysia, Indonesia… giải quyết một số vụ cướp biển của các nước chạy đến vùng biển Việt Nam. Hoạt động đấu tranh chống tội phạm liên quan đến ma túy hoạt động trên biển cũng được tiến hành rất hiệu quả”, ông cho biết.

Góp ý vào dự thảo luật, Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu ra 2 điểm phân vân, cần xem xét để tránh vướng mắc trong thực thi luật sau này. Thứ nhất là phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển nêu tại khoản 2 Điều 11 dự thảo luật, có thể sửa lại là: “hoạt động ở địa bàn vùng biển liên quan ngoài vùng biển Việt Nam”. Về phạm vi tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển ở khoản 2, Điều 13, Thứ trưởng đề nghị cần quy định rõ, tập trung vào đúng chức năng nhiệm vụ của Cảnh sát biển được giao trên vùng biển Việt Nam để tránh chồng chéo với các lực lượng khác.

Trong khi đó, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc Phòng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, lực lượng Cảnh sát biển nước ta đã được thành lập 20 năm nay, có vai trò là lực lượng thực thi pháp luật trên biển và làm nhiệm vụ quốc tế trên biển. Khi có các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển thì đây cũng chính là lực lượng chính, cùng với hải quân trực tiếp đấu tranh bảo vệ chủ quyền. 

Toàn cảnh phiên thảo luận

Khẳng định bối cảnh, diễn biến tình hình đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền trên biển vẫn rất phức tạp, ĐBQH Sùng Thìn Cò đề nghị việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam phải đồng thời với xây dựng lực lượng Cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

“Hiện nay, muốn bảo vệ được vùng biển thì phải có phương tiện hiện đại, tàu hiện đại, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc phải hiện đại. Rồi cứu hộ cứu nạn trên biển khác trên đất liền. Khi nhận được tín hiệu thì phải có thiết bị hiện đại để định vị được ngay. Chưa kể lực lượng Cảnh sát biển còn thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên biển khác như đấu tranh chống buôn lậu…” – Thiếu tướng Sùng Thìn Cò phân tích.

Về nhiệm vụ của Cảnh sát biển, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn, dự thảo Luật mới chỉ quy định nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản nhưng thiếu “bảo vệ hoạt động” của ngư dân.

“Việc Cảnh sát biển bắt giữ người mà không bắt giữ tàu vi phạm liệu đã chặt chẽ chưa? Điều 15 quy định trường hợp nổ súng của Cảnh sát biển là khi biết rõ tàu thuyền phạm tội, chở vũ khí, tài liệu bí mật nhà nước. Tôi thấy như thế vẫn thiếu, nếu tàu chở chất thải nguy hại, chất phóng xạ rất nguy hại đổ ngoài biển, khi phát hiện họ trốn chạy thì sẽ xử lý như thế nào? Do đó nếu đã liệt kê thì phải liệt kê hết, nếu không thì việc nổ súng sẽ khó cho lực lượng Cảnh sát biển...” – ông Nghĩa đặt vấn đề.


Bảo Quân
.
.
.