Giảm áp lực, chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý chuyên ngành

Thứ Sáu, 05/04/2019, 10:02

Theo đánh giá của các chuyên gia GATF tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.


Sáng 5-4 tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan phối hợp cùng Liên minh tạo thuận lợi thương mại ( GATF) tổ chức hội thảo” Bảo lãnh thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu”.

Bảo lãnh thông quan( BLTQ) là mô hình quản lý hoàn toàn mới tại Việt Nam, nhưng ở nhiều nước trên thế giới BLTQ đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại XNK, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại, cũng như hoạt động thương mại chuyên nghiệp.

Đối với DN XNK, BLTQ sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hoá, giảm chi phí, sớm đưa hàng hoá vào sản xuất, lưu thông có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng như hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của DN.

Ông Robert. S. Kielbas, Phó Chủ tịch phụ trách toàn cầu, Tập đoàn Bảo hiểm Roanoke, Chuyên gia thuộc Liên minh tạo thuận lợi thương mại ( GATF) cho biết, tại Hoa Kỳ, hệ thống BLTQ là một phần quan trọng, mang đến thành công trong lĩnh vực hoạt động thương mại hải quan và được coi như “ tiêu chuẩn vàng” của thế giới. 

Cơ quan Hải quan có thể thông quan hàng hoá ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu thương mại, cùng lúc đó phân loại và tạm hoãn việc ra quyết định đối với mặt hàng chịu thuế, không chịu thuế và những gì đủ tiêu chuẩn thông qua. “Theo đánh giá của các chuyên gia GATF tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.”, ông Robert. S. Kielbas cho hay.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, cơ chế BLTQ sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ. Chính vì vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia trực tiếp. 

Đối với DN XNK, BLTQ sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hoá, giảm chi phí, sớm đưa hàng hoá vào sản xuất, lưu thông có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng như hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của DN. 

Theo ông Thành, khi hàng hoá được “nhanh” đưa về bảo quản sẽ đảm bảo chất lượng hàng hoá của DN, giảm chi phí lưu kho tại cửa khẩu. Hàng hoá nhanh được thông quan sẽ nhanh được đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường thì nguồn vốn có thể thu hồi nhanh để đầu tư vào hoạt động liên tục của DN, không bị phạt hợp đồng vì giao hàng chậm.

Bên cạnh đó BLTQ còn giúp cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.

Bên cạnh đó BLTQ còn giúp cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.

Đặc biệt, BLTQ không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK. Mà đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý KTCN trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật KTCN của DN thông qua tổ chức bảo hiểm. Ngoài ra, BLTQ sẽ bổ xung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc BLTQ chỉ được sử dụng trong trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp ( hàng hoá XNK thuộc đối tượng chịu thuế và hàng hoá kinh doanh tạm nhập tái xuất) hoặc tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.  

Như vậy, về phạm vi bảo lãnh ở Việt Nam còn rất hạn chế so với các nước, mới chỉ áp dụng trong việc bảo lãnh nộp thuế, tiền phạt và chỉ có các ngân hàng thương mại được đứng ra bảo lãnh. 

Việc áp dụng mô hình bảo lãnh tương tự như ở Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada… sẽ đáp ứng các yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hoá thủ tục, cắt giảm KTCN, đẩy nhanh tốc độ thông quan, giải phóng hàng hoá, hạn chế rủi ro cho cơ quan quản lý, tránh thất thu ngân sách.

Tuy nhiên, để có thể triển khai được cơ chế BLTQ đối với hàng hoá XNK cần phải rà soát, sửa đổi một số văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện.

Lưu Hiệp
.
.
.