Báo chí không nên để lại “khoảng trống” thông tin gây đồn đoán phức tạp

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:58
Nhấn mạnh đặc trưng báo chí trong thời đại hiện nay là nhu cầu thông tin không giới hạn của con người; công nghệ rất cao và tính toàn cầu hoá, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho rằng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) phải tính đến những điều này, để vừa tôn trọng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của nhân dân, vừa làm tốt công tác quản lý Nhà nước.

Phát biểu góp ý về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sáng 26-11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Luật Báo chí lần này rất quan trọng, triển khai Hiến pháp năm 2013 với những điểm đổi mới về quyền con người, quyền công dân.

Thừa nhận thực tế có một số tờ báo, nhà báo có khuyết điểm, thậm chí là phạm tội, nhưng đại biểu cho rằng đó là thiểu số. Chức năng của báo chí là thông tin, giám sát và phê phán chứ không chỉ ca ngợi, tất nhiên phải đúng và hợp lý. Pháp luật quốc tế cũng thừa nhận quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí và họ cũng quy định giới hạn như thế nào. Do đó, Luật Báo chí sửa đổi lần này cũng cần làm rõ giới hạn đó.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Dẫn lý do hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tự do báo chí, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị dự thảo giải thích rõ khái niệm này ở Điều 4 của dự thảo luật, tạo cơ sở thống nhất cho việc thực thi quyền cơ bản này của công dân. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ để các cơ quan báo chí có thể thông tin kịp thời tình hình đất nước đến công chúng, không để lại những khoảng trống thông tin cho những suy nghĩ, những đồn đoán đến từ những nguồn thông tin không chính thống. “Trong thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin về các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định luật pháp về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Tôi đề nghị luật hóa quy chế phát ngôn, bổ sung thêm một khoản vào Điều 14 quy định: Các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” – đại biểu Nguyễn Thùy Trang đề nghị. 

Đại biểu cũng cho rằng, để đảm bảo quyền tự do báo chí cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định chung chung, chưa rõ ràng. Luật Báo chí phải quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của nhà báo và cơ quan báo chí trong việc tiếp cận thông tin. Để thực hiện quyền tự do báo chí cần có cơ chế để đảm bảo cho quyền tác nghiệp của các nhà báo. Trong thời gian vừa qua nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của các phóng viên, nhà báo, thậm chí có người còn bị hành hung. Điều 57, về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, dự thảo luật chỉ mới đề cập đến khía cạnh các cơ quan báo chí nếu sai phạm thì sẽ bị các hình thức xử lý theo luật định, nhưng vẫn chưa đề cập đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm nội dung tổ chức, cá nhân cản trở các hoạt động báo chí hợp pháp tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng trong chiều 26-11, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chế định thừa phát lại với 76,32% đại biểu tán thành. Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cũng được thông qua với tỷ lệ 84,82% đại biểu tán thành.

Vũ Hân
.
.
.