Báo chí - Lực lượng tiên phong bảo vệ an ninh Tổ quốc

Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:44
Phát huy vai trò tuyên truyền, bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là một truyền thống quý báu của báo chí cách mạng Việt Nam.

LTS: Cách đây 90 năm, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội vào ngày 21/6/1925. Báo Thanh Niên không chỉ là phương tiện truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục ý thức giai cấp, lý tưởng cộng sản cho cán bộ, đảng viên và quần chúng lao động, mà còn góp phần không nhỏ vào quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; tập hợp mọi lực lượng yêu nước vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng. Vì vậy, ngày 21 tháng 6 hàng năm được chọn là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, nêu cao ý thức trách nhiệm, vai trò của báo chí trước vận mệnh dân tộc và tôn vinh những người làm báo.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam – 21-6, Báo Công an nhân dân xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND về vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam đối sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong thời kỳ mới.

Báo chí cách mạng là một trong những công cụ quyền lực, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Xuyên suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được vai trò quan trọng của mình, thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng nói chung và bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nói riêng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Báo chí phải phục vụ nhân dân, chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc và hòa bình thế giới. Người làm báo phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”

Thiếu tướng Trương Giang Long phát biểu tại cuộc họp báo nhân kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Học viện Chính trị CAND.

Sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã trải qua 85 năm. Đặc biệt, từ một nước bị kiệt quệ nặng nề sau hai cuộc chiến tranh tàn khốc, nhưng qua chặng đường gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chuyển sang một giai đoạn phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nền báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh. Báo chí thực sự là lực lượng tiên phong, chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng, đối ngoại; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh kiên quyết chống các tư tưởng thù địch, phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Báo chí luôn sống trong lòng nhân dân, thở cùng nhịp đập của thời đại, phản ảnh, đánh giá khách quan, trung thực và kịp thời các hiện tượng, sự kiện của đời sống xã hội theo lập trường của giai cấp công nhân, bảo vệ cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh vì sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội. Báo chí đã và đang góp phần xây dựng môi trường dân chủ trong xã hội, ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò vừa hướng dẫn dư luận xã hội, tham gia có hiệu quả vào việc giám sát và phản biện xã hội, vừa góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, và sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng CAND, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng. Báo chí đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của ngành Công an về bảo vệ an ninh, trật tự; phân tích, làm sáng tỏ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân... và sự vận dụng sáng tạo các quan điểm, tư tưởng đó vào công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, báo chí đã có những đóng góp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về tính chất quyết liệt, phức tạp và lâu dài của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phản ánh kịp thời bản chất, mưu mô thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, giúp nhân dân phân biệt rõ bạn - thù, đối tác - đối tượng, địch - ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, báo chí còn tuyên truyền rộng rãi các hoạt động của lực lượng CAND, góp phần xây dựng hình ảnh người Công an cách mạng đẹp trong long dân, làm cho nhân dân hiểu, tin Công an hơn và chia sẻ, giúp đỡ Công an nhiều hơn. Đồng thời báo chí còn là một kênh phản biện, giám sát việc thực thi pháp luật của lực lượng Công an, đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước và ngành Công an hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy định về bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND.

Phóng viên báo chí xung kích tại Trường Sa.

Báo chí cách mạng còn là công cụ tuyên truyền, đấu tranh hữu hiệu với các quan điểm sai trái, thù địch. Trong những năm qua, đa số các báo, tạp chí đều tham gia tích cực vào công tác đấu tranh chống "Diễn biến hòa bình", nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang ở nước ta. Nội dung các bài viết luôn là những thông tin chính thống, có tác dụng định hướng dư luận, ổn định tư tưởng, thống nhất nhận thức, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần tiến công cách mạng, tự bảo vệ mình trước sự tấn công, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch.

Không chỉ là công cụ tuyên truyền đường lối, chính sách; đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, báo chí còn là kênh quan trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; biểu dương cái tốt, cái đúng, cái đẹp, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống cái ác, cái sai, cái xấu; thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần xây dựng vững chắc nền an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Đồng thời, báo chí khích lệ cán bộ, chiến sĩ công an - lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, chiến đấu, phục vụ nhân dân.

Cùng với sự lớn mạnh và đóng góp chung của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí CAND cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, khẳng định được vị thế và uy tín trong làng báo chí cả nước. Với 26 tờ báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo chí CAND đã thực sự là lực lượng nòng cốt, chủ công, tiên phong trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự. Có thể khẳng định, những thành tích, chiến công của lực lượng CAND anh hùng trong suốt 7 thập kỷ qua luôn luôn gắn liền với sự đồng hành và đóng góp không nhỏ của báo chí cách mạng nói chung, báo chí CAND nói riêng.

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen, tác động tổng hợp. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết gia tăng hoạt động chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thâm độc, tìm cách thâm nhập, tác động vào nội bộ ta. Tác động  tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ và gay gắt. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang lan tỏa; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự xuống cấp các giá trị văn hóa và những bức xúc trong xã hội chưa được ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả. Thực trạng ấy đang đặt ra yêu cầu trọng yếu đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm quan trọng của báo chí cách mạng.

Để tiếp tục hoàn thành tốt vai trò của mình, báo chí cần phải được tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về nội dung và hình thức; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị  Trung ương lần thứ năm (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và nhiệm vụ của báo chí trước yêu cầu mới; giữ vững tôn chỉ mục đích, bảo đảm đúng định hướng chính trị của Ðảng, tuân thủ Luật Báo chí và đạo đức nghề làm báo. Tập trung tuyên truyền có hiệu quả Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội XII của Đảng, trong đó chú trọng tuyên truyền mặt tốt, mặt tích cực, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, đồng thời chỉ rõ các nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm và giải pháp khắc phục. 

Thông qua công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội của báo chí, đặc biệt là trách nhiệm tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ - một truyền thống quý báu của báo chí cách mạng Việt Nam. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức, đe dọa chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo. Đấu tranh sắc bén, kịp thời, hiệu quả với sự chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, nhất là trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các cơ quan báo chí; giới thiệu, quảng bá về thành tựu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của Việt Nam đến nhân dân và bạn bè quốc tế. 

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, báo chí CAND còn phải ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình, phát huy tốt hơn nữa vai trò mở đường, hậu thuẫn cho lực lượng CAND và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, xứng đáng với truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam và truyền thống của lực lượng CAND anh hùng.

Thiếu tướng, GS. TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND
.
.
.