Suy ngẫm từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII):

Để non sông mãi vững âu vàng

Thứ Bảy, 29/04/2017, 23:42
“Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” - Chủ tịch Hồ Chí Minh


Năm 1965, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt với muôn vàn thử thách nghiêm trọng. Sau nhiều năm can dự vào Việt Nam dưới hình thức cố vấn và viện trợ quân sự, kinh tế cho Việt Nam Cộng hòa, Mỹ chính thức đưa quân đội trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam; đồng thời phát động cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta. 

Lúc cao điểm, có đến 1 triệu quân Mỹ cùng quân các nước chư hầu và xấp xỉ số quân đó của Việt Nam Cộng hòa có mặt trên chiến trường miền Nam. Ngày đêm quân Mỹ leo thang đánh phá, trút mưa bom, bão đạn xuống hầu khắp các thành phố, thị xã, làng mạc Việt Nam…

Giữa bối cảnh nguy nan ấy, với tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ thiên tài, trong bản di chúc lịch sử khởi thảo từ năm 1965, qua nhiều lần sửa chữa, bổ sung đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán thắng lợi cuối cùng của dân tộc Việt Nam và để lại những lời căn dặn cùng muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng. 

Mở đầu bản Di chúc lịch sử, Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn…

Trong những lời căn dặn để lại cho toàn Đảng, toàn dân, điều đầu tiên Di chúc nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng. Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng và dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Bản Di chúc lịch sử là sự tiếp nối tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, luôn coi cán bộ là cái gốc của công việc, công tác con người giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại.

Khẳng định ngày toàn thắng đã đến gần, Người cũng tiên liệu những bộn bề của đất nước sau khi có hòa bình, thống nhất và nhấn mạnh: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Tiếp đó, Người căn dặn, đầu tiên là công việc đối với con người, gồm người có công với nước, chăm lo mộ phần các liệt sĩ, chế độ chính sách với thân nhân, gia đình thương binh liệt sỹ, phụ nữ, nông dân; ngay cả những người bị tha hóa, là nạn nhân của chế độ cũ cũng cần được giáo dục, giúp đỡ họ có công ăn việc làm lương thiện. 

Người đặc biệt nhấn mạnh công tác đào tạo con người, cần quan tâm đến những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được tôi luyện, trưởng thành trong chiến đấu. 

“Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta” – Người nhấn mạnh.

Nhận định rõ những khó khăn, thách thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, đặc biệt là thời kì đổi mới. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm, chưa bao giờ cơ đồ Tổ quốc ta được như hôm nay. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, mọi sự vận động, phát triển diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Sự tụt hậu trong thời đại ngày nay sẽ phải trả giá rất đắt, hơn nhiều lần so với những thập niên trước đây. Dù đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào, song chúng ta không thể không nhìn nhận những khó khăn và thách thức đối với sự phát triển bền vững, với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. 

Đặc biệt, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, lãng phí, xa rời dân... của một bộ phận cán bộ, đảng viên tiếp tục diễn biến phức tạp. Đó là những nguy cơ rất lớn đối với đất nước ta trên con đường phát triển.

Những thách thức, nguy cơ đó, như Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của thế lực thù địch và đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... 

Nhận thức rõ thực trạng nhức nhối nêu trên, Nghị quyết 04/NQ-TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) xác định rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Từ thực trạng nêu trên, Đảng ta dũng cảm, quyết tâm: “Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 

Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”…

Thực hiện Nghị quyết XII và Nghị quyết 04/NQ-TW, thời gian qua, cấp ủy Đảng từ Trung ương tới cơ sở đã có những việc làm cụ thể để nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng nhằm khắc phục triệt để những thiếu sót, khuyết điểm. 

Một loạt những vụ án, đại án liên quan đến công trình ngàn tỉ lỗ vốn, “đắp chiếu”; những vụ việc về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình”… được phát hiện, quy trách nhiệm rõ ràng hoặc xử lí theo pháp luật. 

Điển hình như vụ xử lí Trịnh Xuân Thanh, vụ ông Vũ Huy Hoàng. Liên quan đến vụ Formosa, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề xuất xử lí kỉ luật với các ông Nguyễn Minh Quang (nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT), ông Bùi Cách Tuyến (nguyên Thứ trưởng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) và ông Nguyễn Thái Lai (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT), cho thấy sự nghiêm minh của kỉ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Mới đây nhất, ông Võ Kim Cự cũng bị đề xuất xử lí kỉ luật, xem xét tư cách đại biểu quốc hội vì trách nhiệm trong vụ Formosa.

Trong những trường hợp nêu trên, có trường hợp chưa từng có tiền lệ như kỉ luật ông Vũ Huy Hoàng, bị Ban Bí thư xử lí nghiêm khắc bằng hình thức xóa tư cách Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011-2016; đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương… 

Tiếp đó, Quốc hội còn ra một nghị quyết phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng do đã “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội”…

Nhân ngày đất nước trọn niềm vui thống nhất, hòa bình, ôn lại Di chúc của Bác Hồ và suy ngẫm về Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), chúng ta thêm tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. 

Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Làm theo lời Bác, với quyết tâm và sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, cũng chính là thực hiện phương châm “Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san” – Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu.

Trần Duy Hiển
.
.
.