Nhân quyền Việt Nam – những giá trị không thể bóp méo

Bài 2: Sự thật cái gọi là “vi phạm nhân quyền”

Thứ Hai, 30/12/2013, 09:25
Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam là chiêu bài xưa cũ của các thế lực thù địch, phản động. Với các luận điệu lập lờ đánh lận, bôi nhọ, vu cáo, chúng coi đây là “vũ khí tối ưu”, triệt để lợi dụng. Sự thật, những vụ việc chúng tố cáo Việt Nam “đàn áp”, “vi phạm nhân quyền” thì thực chất là những vụ án mà bị can, bị cáo vi phạm pháp luật hình sự, bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn và xét xử theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Những chiêu bài vu cáo, bôi nhọ sự thật

Vu cáo, bôi nhọ, xuyên tạc sự thật, đặc biệt những vấn đề nhạy cảm, phức tạp là chiêu bài “truyền thống” của các thế lực thù địch. Thủ đoạn là vin cớ những sự việc mà người vi phạm pháp luật có thành phần là tôn giáo, người dân tộc thiểu số, những người hoạt động các nghề như luật sư, báo chí, văn nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ, biên kịch, ca sĩ, nhạc sĩ...) để tìm cách bôi nhọ, lập lờ đánh lận giữa hành vi vi phạm luật pháp của những người này với việc vi phạm về lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, báo chí, sáng tác..., đánh lận sang “mũ nhân quyền”. Đây là thủ đoạn được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, chúng theo dõi sát các vụ việc rồi tung các bài viết, hình ảnh, video cắt ghép để người đọc, người xem “tin là thật”.

Thực chất, việc cơ quan bảo vệ pháp luật áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm là căn cứ theo quy định pháp luật của người đó chứ không liên quan gì cái gọi là “dân chủ, tôn giáo, dân tộc” nhưng những kẻ phá hoại vẫn tìm cách xuyên tạc theo hướng này. Điển hình như việc thời gian qua, cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý những kẻ gây rối, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ mà người vi phạm thuộc các tôn giáo (như ở Hà Nội, Quảng Bình, Nghệ An), các thế lực thù địch chụp mũ “đàn áp tôn giáo”; hay những công dân nguyên là nhà báo, nhà văn có hành vi vi phạm như tống tiền, nhận hối lộ, tuyên truyền chống Nhà nước..., cũng bị các thế lực xấu đổ vấy sang chuyện khác để tố cáo ta vi phạm quyền tự do báo chí, ngôn luận.

Sau khi TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 88, Bộ luật Hình sự (gồm bị cáo Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải), trên một số trang mạng gia tăng các bài viết xuyên tạc sự thật, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận.

Phiên tòa xét xử vụ án Hồ Đức Hòa và đồng phạm ở Nghệ An đảm bảo đúng người, đúng tội.

Thực tế, cả ba bị cáo đều có hành vi phạm vào tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Cơ quan tố tụng chứng minh rõ: Từ tháng 9-2007, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải cùng một số cá nhân khác thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nhà báo tự do, tự thiết kế blog mang tên CLB, thông báo cho các thành viên tham gia sử dụng. Sau đó, cả ba liên tục viết và đăng những bài có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc sự thật chống Nhà nước trên blog này. Những hành vi này đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và việc tòa án đưa ra bản án với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đầu năm 2013, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa ra xét xử công khai vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” đối với Hồ Đức Hòa và 13 bị cáo khác. Theo bản cáo trạng, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, 14 bị cáo đã từng nhiều lần ra nước ngoài dự các khóa huấn luyện về đấu tranh "bất bạo động" của tổ chức "Việt Tân" và trở thành thành viên của tổ chức này.

Sau các khóa huấn luyện tại một số nước, các đối tượng được giao nhiệm vụ trở về Việt Nam thực hiện các hoạt động tuyên truyền phát triển lực lượng, kích động quần chúng gây rối làm mất ổn định tình hình chính trị, xã hội trong nước; viết bài xuyên tạc quan điểm, đường lối chính sách của Đảng; lợi dụng chiêu bài đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển đảo để thực hiện các mưu đồ chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhà nước Việt Nam... Thế nhưng, trên mạng Internet, các thế lực xấu lại đánh lận sang chuyện “trấn áp tự do ngôn luận” để vu cáo ta vi phạm nhân quyền.

Tương tự, hôm 23/12/2013, khi TAND tối cao mở phiên tòa xử phúc thẩm bị cáo Ngô Hào (65 tuổi, trú tại phường 5, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên), nhiều trang mạng tiếp tục vu cáo, tự tô vẽ bị cáo là “nhà bất đồng chính kiến 65 tuổi” và cho rằng, việc đưa ra bản án là “vi phạm nhân quyền”. Cần thấy rằng, việc điều tra, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng đều được thực hiện rất cẩn trọng, quy trình, thủ tục theo đúng quy định Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Đây chỉ là những dẫn chứng trong rất nhiều vụ việc mà các thế lực thù địch, phản động trắng trợn bôi nhọ, vu cáo chúng ta vi phạm nhân quyền. Đặc biệt, trong thời gian Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, mức độ vu cáo, chống phá gia tăng. Ngoài việc tăng liều lượng bài viết trên mạng Internet, một số cá nhân, tổ chức còn gia tăng sức ép dưới các hình thức khác nhau.

Thủ đoạn làm sai lệch những văn bản pháp lý quốc tế về nhân quyền

Thực tế, việc một số tổ chức và cá nhân vin cớ khi cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi chống chính quyền nhân dân để vu cáo cái gọi là dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận đã là chiêu thức quá cũ. Khi cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, chiêu bài của các thế lực thù địch là tự “vẽ” các bị can, bị cáo thành “nhà hoạt động dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”... Chúng cũng cố tình hiểu sai lệch những văn bản pháp lý quốc tế để vu cáo ta. Chẳng hạn, không ít kẻ thường trích dẫn Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền để biện hộ cho lý lẽ “tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, đây là sự áp đặt gượng gạo và bản thân các đối tượng do nhận thức yếu kém không hiểu hoặc cố tình hiểu sai những quy định của Liên hợp quốc trong bản Tuyên ngôn nói trên. Điều 19 của Tuyên ngôn quy định “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm”.

Vấn đề này được làm rõ ở Điều 29 của Tuyên ngôn: “Mọi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ. Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Rõ ràng, Tuyên ngôn quy định rất rõ quyền tự do ngôn luận của mọi người, được tự do bày tỏ quan điểm, nhưng khi thực hiện quyền tự do của mình phải “chịu những hạn chế do luật định” và “đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Không có bất kỳ điều khoản nào của Tuyên ngôn nói rằng, tự do ngôn luận là mặc sức phá hoại cộng đồng, chà đạp đạo đức, luật pháp, gây rối loạn trật tự xã hội như hành vi của các bị can, bị cáo đã làm. Hành vi của các đối tượng rõ ràng còn xuyên tạc cả Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền.

Thực tế, những nội dung trên của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền cũng được cụ thể hóa tại Hiến pháp và pháp luật nước ta. Điều 69, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, hành vi của các đối tượng là phạm một tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, có tính liên tục, kéo dài, bộc lộ rõ ràng và đã tác động xấu đến an ninh quốc gia cũng như hình ảnh của nước Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Hoạt động phạm tội của các bị cáo có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công cụ thể, có sự móc nối, câu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch. Các bị cáo đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do dân chủ, sử dụng Internet tạo dựng ra blog để liên lạc, trao đổi, viết, phát tán và tàng trữ các tài liệu, xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước; hòng gây nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ; tranh thủ lôi kéo, cổ vũ cho những phần tử có tư tưởng chống đối nhằm gây dựng và chuẩn bị lực lượng, khi có thời cơ sẽ lật đổ chính quyền...

Tuân thủ luật pháp, đảm bảo nhân quyền

Xét xử là công việc của tòa án và tòa chỉ quyết định trên cơ sở pháp luật. Không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác ngoài HĐXX của tòa án được giao trực tiếp xét xử vụ án có quyền can thiệp đến bản án. Đó là nguyên tắc không chỉ đối với luật pháp Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng đều tuân thủ nguyên tắc này khi giao quyền độc lập xét xử cho tòa án. Quan điểm trong điều tra, xét xử là vừa làm rõ chứng cứ buộc tội nhưng cũng thu thập, đánh giá đủ chứng cứ gỡ tội, căn cứ xác định bị cáo vô tội hoặc không phạm tội theo cáo buộc. Việc mượn cớ các tổ chức xưng danh nhân quyền hay bất kỳ danh xưng nào khác để viết thư kêu gọi hay thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào nhằm gây sức ép lên cơ quan tiến hành tố tụng của một quốc gia trong xét xử vụ án là hoàn toàn phi lý. Vì vậy, thay cho việc tác động như trên, những thế lực vốn lâu nay mượn áo dân chủ, nhân quyền, chụp mũ “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” cần phải nhận thức và tuân thủ những nguyên tắc sơ đẳng nhất. 

Bất cứ nhà nước nào cũng phải dựa vào luật pháp để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Mỹ và các nước châu Âu, các nước tư bản cũng ban hành luật pháp quản lý xã hội theo nguyên tắc đó (chẳng hạn, hồi tháng 2/2012, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Mỹ đã bắt giữ 7 thành viên của nhóm Hutaree (tên thổ ngữ mà những người trong nhóm tự đặt ra) vì có hành vi chống lại chính quyền Mỹ, trong đó trên trang website tổ chức này có nhiều bài viết chống lại các chính sách của chính quyền Mỹ).

“Vừa qua, các thế lực thù địch, phản động hoạt động ráo riết để tẩy chay, dựng lên nhiều vụ việc vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền. Khi chúng ta ứng cử, nhiều thế lực tung lên mạng các phỏng vấn, hình ảnh cắt ghép nhằm kích động chống phá, làm giảm uy tín của ta. Tuy nhiên, những tiếng nói đó là lạc lõng, đơn độc, không đúng sự thật. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tạo điều kiện để các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế tới Việt Nam tìm hiểu sự thật. Các đoàn quốc tế, nhất là đối thoại về nhân quyền mà chúng ta thực hiện với Mỹ và nhiều nước, tổ chức châu Âu. Họ đã vào Việt Nam, đối thoại và tìm hiểu thực tế, từ đó khẳng định rằng, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đảm bảo, có tiến bộ vượt bậc. Vì thế, tại cuộc bỏ phiếu, chúng ta đạt số phiếu rất cao”.

(Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng)

Đăng Trường
.
.
.