Nếu xử lý không khéo sẽ đẩy vụ việc từ nhỏ thành to, hình thành điểm nóng

Thứ Ba, 04/10/2016, 11:57
“Đối với những vụ gây ra “bão” dư luận, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật cần theo dõi, kiểm tra, xử lý một cách nghiêm minh, công bằng và thuyết phục” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói khi đề cập đến vụ xô xát giữa phóng viên và chiến sỹ Công an trên cầu Nhật Tân.

Góp ý vào các báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương chuyển biến khá tốt; lòng tin của người dân, người khiếu nại tố cáo đối với cơ quan công quyền tốt hơn. Từ đó góp phần ổn định tình hình chính trị đất nước. Bởi nếu xử lý không khéo thì sẽ từ cái nhỏ xảy ra cái lớn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp

Tuy nhiên ông cũng nêu một thực tế nguy hiểm là sự can thiệp, chỉ đạo của các quan chức năng. “Có những vụ việc đơn giản, anh em giải quyết đúng trình tự nhưng lại có điện thoại can thiệp, chỉ đạo làm méo mó vấn đề. Có khi một sự việc 3 trường phái chỉ đạo, nghe ông này mất ông kia. Tôi cũng từng làm chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại tố cáo nên hiểu”, ông Việt nói.

Ông cũng đề nghị chấn chỉnh trách nhiệm của đội quân giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, bởi có những cán bộ không có kiến thức nên nói đúng thành sai, nói đơn giản thành phức tạp, đặc biệt nguy hiểm nhất là đùn đẩy cho nội bộ. “Nên cố gắng xây dựng đội quân có văn hoá, có đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân”, đại biểu đề nghị.

Bổ sung vào nhóm nguyên nhân khiến số đơn và số vụ việc tố cáo tăng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, phải chăng do trách nhiệm của các cơ quan xử lý khiếu kiện chưa đến nơi đến chốn. Thậm chí có tình trạng cán bộ cậy thế, tiêu cực, dẫn tới xử lý vụ việc không đến nơi đến chốn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tham gia thảo luận

“Tôi vừa đi công tác ở Na Uy về, một kiều bào tên Huỳnh Văn Cường trình bày với tôi vụ việc gia đình ông ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM, ông đã khiếu kiện nhiều lần nhưng toà không xử lý gì. Ông có viết trong đơn: “Tôi nhận thấy cán bộ đại diện cơ quan tiếp dân không trách nhiệm, không thân thiện, không niềm nở, không văn hoá đối với Việt kiểu về quê hương. Rất đau xót”, ông nói. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ chuyển đơn cho Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đề nghị đồng chí giúp giải quyết đến nơi đến chốn.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhất trí với phương hướng nêu trong báo cáo của Chính phủ là kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nắm chắc tình hình để giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Bà cũng đồng tình với Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt về việc nếu xử lý không khéo sẽ đẩy vụ việc từ nhỏ thành to, hình thành “điểm nóng”.

Bà Nga đề nghị Chính phủ cho kiểm tra các vụ việc đang xảy ra hiện nay, cụ thể là vụ việc xảy ra giữa chiến sỹ Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế báo Tuổi trẻ TP.HCM vừa qua. “Cần phải xem xét lại vì vụ việc gây ồn ào dư luận, không chỉ trong cộng đồng mạng mà cả trong cán bộ chúng ta cũng rất bức xúc”.

“Tôi đề nghị thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ. Đối với những vụ gây ra “bão” dư luận như thế thì để tránh xảy ra phức tạp và trở thành “điểm nóng” của dư luận, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, kể cả UBQPAN, Ủy ban Pháp luật cần theo dõi, kiểm tra, xử lý một cách nghiêm minh, công bằng và thuyết phục, sao cho cả những người trong cuộc và ngoài cuộc đều cảm thấy tâm phục và khẩu phục, củng cố lòng tin của người dân”.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần xem lại một số vụ việc đã xảy ra thời gian vừa qua đã giải quyết công minh, công bằng đúng pháp luật chưa. Đồng thời yêu cầu Chính phủ bổ sung, hoàn chỉnh, nâng cấp báo cáo để trình ra Quốc hội. 

Quỳnh Vinh
.
.
.