An toàn tiền gửi là yêu cầu bắt buộc của hoạt động tín dụng

Thứ Năm, 26/10/2017, 22:44
Cho rằng hoạt động tín dụng phát triển là tất yếu theo nhu cầu thị trường song đây là loại hình kinh doanh đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đề nghị luật cần có quy định cụ thể hơn để bảo đảm an toàn, quyền lợi của người gửi tiền, không phân biệt pháp nhân hay cá nhân.

Phải đảm bảo an toàn tiền gửi cho người dân

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được thảo luận ở tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Sau nhiều lần chỉnh sửa, dường như đại biểu Quốc hội vẫn chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận sáng 26-10. Để xử lý một số vấn đề cấp bách đang đặt ra hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ các quy định liên quan đến kiểm soát đặc biệt và phương án cơ cấu lại các TCTD, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản, cũng như các quy định pháp luật có liên quan.

“Dự án Luật được xây dựng sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xử lý những vấn đề cấp bách hiện nay đối với các TCTD yếu kém, cũng như ngăn ngừa sự phát sinh các tổ chức tín dụng yếu kém” - đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận định.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề xuất lồng ghép luôn những vấn đề cần chỉnh sửa tại dự án Luật để bảo đảm tính đồng bộ, tính hoàn thiện của việc sửa đổi, bổ sung; xem xét tổng thể, thấu đáo, tránh việc sửa đổi manh mún, gây mất ổn định, tốn kém ngân sách và lãng phí thời gian, bởi đây là văn bản quan trọng có tác động đến toàn nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.

Một trong những nội dung của dự luật sửa đổi được nhiều người dân quan tâm là mức hỗ trợ chi trả tiền gửi có vượt hạn mức hay dừng ở không quá 75 triệu đồng/cá nhân như quy định hiện hành một khi ngân hàng phá sản? Đề nghị phải đảm bảo an toàn tiền gửi cho người dân, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, hoạt động của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng lớn vào tâm lý khách hàng, có sự lan truyền và hiệu ứng dây chuyền lớn. Vì vậy, cần đặt kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn, kèm theo đó có các hình thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng phục hồi và chuyển giao, tránh phá sản.

Việc phá sản ngân hàng thương mại gây tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt. Điều này có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền của cả hệ thống. Người gửi tiền có thể tụ tập khiếu kiện đông người gây mất trật tự an toàn xã hội và các hệ lụy khác. Nếu phá sản các tổ chức tín dụng là bắt buộc, dự án Luật nên có quy định cụ thể hơn về các phương án phá sản các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn cho người gửi tiền và an toàn hệ thống.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng ủng hộ việc đảm bảo an toàn cho người gửi tiền vào ngân hàng, đồng thời nêu rõ theo dự án luật, đối với phương án chuyển giao bắt buộc, đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc phải là tổ chức tín dụng. Trong trường hợp không thực hiện được chuyển giao bắt buộc thì phải thực hiện phương án phá sản. Nhưng nếu tổ chức tín dụng phá sản thì nguy cơ ảnh hưởng đến toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội cao và ảnh hưởng đến cộng đồng rất lớn.

Đại biểu Tùng nhấn mạnh cần cân nhắc bổ sung thêm quy định xử lý. “Trường hợp không thực hiện được việc chuyển giao bắt buộc nhưng cũng không thực hiện được việc phá sản của tổ chức tín dụng yếu kém do những tác động bất lợi của nó mang lại, Nhà nước cần phải có những dự liệu về mặt chính sách để có thể xử lý từng trường hợp cụ thể một cách phù hợp” – đại biểu Tùng đề nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: TTXVN.

Sử dụng hay không được sử dụng ngân sách Nhà nước?

Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm về việc nhất trí không sử dụng tiền ngân sách nhà nước vào việc tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, có thể sử dụng ngân sách nhưng phải công khai, minh bạch. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm cần thiết kế cơ chế để minh bạch việc sử dụng ngân sách trực tiếp hoặc sử dụng gián tiếp. Nếu như ảnh hưởng, phải xác định ảnh hưởng như thế nào để báo cáo nhân dân, cử tri.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, nên cho phép cơ chế hỗ trợ từ ngân sách để xử lý việc chi trả cho người gửi tiền đối với các TCTD bị đổ vỡ, tránh mất an toàn.

Theo đó, ban soạn thảo đã bổ sung về việc can thiệp sớm, ngăn ngừa sở hữu chéo, giới hạn sở hữu cổ phần để tránh việc lạm dụng và chi phối lợi ích của các cổ đông lớn. Lãnh đạo ngân hàng thì không làm lãnh đạo tại các doanh nghiệp và ngân hàng khác để đảm bảo minh bạch và không thao túng các ngân hàng. Chính phủ và cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ phương án phá sản tổ chức tín dụng, chỉ xem xét phá sản là biện pháp cuối cùng.

Đồng thời, đánh giá kỹ lưỡng tới toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích của người gửi tiền. Do vậy, nên xem xét cho Chính phủ áp dụng các biện pháp đặc biệt, chi trả tiền gửi để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận thanh tra

Chiều 26-10, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Lê Minh Khái đã dành cho báo chí ít phút bên hành lang Quốc hội, trong đó ông nhấn mạnh thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Lê Minh Khái nhận nhiệm vụ trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước, nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành Thanh tra là rất nặng nề.

Ông cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao cho ngành Thanh tra, nhất là thanh tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm; tiếp tục thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực.

Kết thúc sớm các cuộc thanh tra vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, các cuộc thanh tra trọng tâm về kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thời gian báo cáo kết quả thanh tra, kịp thời ban hành và công khai kết luận thanh tra. Cố gắng khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận thanh tra, chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Tập trung giải quyết BOT, sân bay Long Thành

 Bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể, tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chia sẻ với báo chí một số dự định trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Thể cho biết: “Được tín nhiệm thực hiện nhiệm vụ này là vinh dự của tôi. Đồng thời, trong điều kiện ngân sách nhà nước và đầu tư công eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và huy động từ xã hội rất khó khăn thì đây cũng là thách thức rất lớn cho bản thân tôi và ngành”.

Ông cho rằng, giao thông vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, là mạch máu của nền kinh tế, giao thông cần phải đi trước một bước để mở đường, tạo đột phá cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự ổn định bền vững của đất nước.

Theo Bộ trưởng, hiện giao thông vận tải đang là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, là một trong ba khâu đột phá mà cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ. Trong giai đoạn trước mắt cần tập trung giải quyết một số việc cấp bách như: Đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020, sớm triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành, sớm hoàn thành các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đề xuất giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông cho thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các vấn đề liên quan đến các dự án BOT của ngành giao thông...

Về lâu dài, tìm giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển cân bằng và hiệu quả các loại hình giao thông vận tải, nhất là phát huy hiệu quả đường thuỷ nội địa, đường sắt và đường biển nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Đăng Thủy
.
.
.