Âm mưu phá hoại đòi tách cơ quan điều tra độc lập

Thứ Hai, 10/11/2014, 09:24
Gần đây, nhân việc Quốc hội thảo luận, sửa đổi dự án Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND, một số ý kiến nhân đó cũng kêu gọi sửa Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, đòi tách cơ quan điều tra (một trong các cơ quan tiến hành tố tụng) ra độc lập, đứng ngoài bộ máy hành chính nhà nước.

Luận điệu này được viện cớ rằng, có độc lập thì mới đảm bảo khách quan trong điều tra, chỉ khi không phụ thuộc sự quản lý, điều hành của bộ máy hành chính, cơ quan điều tra mới có thể đủ mạnh để điều tra các loại án, nhất là “chống tham nhũng”. Thật ra, luận điệu này chỉ có thể lừa mị những ai thiếu kiến thức luật pháp và thực tiễn, còn bản chất của nó là thủ đoạn phá hoại, không khác mấy so với sự cổ súy đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, hay đòi “thành lập cơ quan bảo hiến, tòa án hiến pháp”…

Mỗi một quốc gia trong điều kiện chế độ chính trị của mình sẽ thiết lập mô hình tố tụng phù hợp. Trên thực tế, không thể đem áp dụng một cách máy móc mô hình tố tụng của quốc gia này vào quốc gia khác và nói đó là tối ưu. Nhưng nếu không chỉ rõ bản chất của thủ đoạn phá hoại nói trên thì có thể khiến một số người lầm tưởng việc đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, đòi “thành lập cơ quan bảo hiến, tòa án hiến pháp”, đòi “tách cơ quan điều tra ra khỏi lực lượng vũ trang, cơ quan hành pháp”… là đúng và phụ họa theo chúng. Hiện tại, theo qui định của Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, cơ quan điều tra được tổ chức trong Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.                          

Như vậy, trừ cơ quan điều tra hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, còn lại các cơ quan điều tra khác đều trực thuộc Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cần phải thấy rằng, có để cơ quan điều tra đứng riêng độc lập khỏi cơ quan hành pháp hay không tùy thuộc vào khả năng đảm bảo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan hay mong muốn của một vài người. Những điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, việc để cơ quan điều tra đứng riêng độc lập, không thuộc lực lượng vũ trang là không phù hợp, bởi những lý do sau:

Một là, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay, đang được đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Hoạt động của các loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm về ma túy, tội phạm về tiền giả, tội phạm về tham nhũng vẫn có chiều hướng gia tăng; đã và sẽ xuất hiện những loại tội phạm mang tính quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… Trong bối cảnh như vậy, luôn đòi hỏi tổ chức bộ máy cũng như việc xác định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tra phải đảm bảo khả năng huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.

Thứ hai, việc tách cơ quan điều tra khỏi cơ quan hành pháp, không thuộc lực lượng vũ trang để đứng riêng độc lập là không phù hợp vì ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước thống nhất lãnh đạo, quản lý. Đó là sự nhất quán, không thể có sự tranh giành quyền lãnh đạo giữa các đảng phái chính trị đối lập nhau về mục tiêu chính trị như ở một số quốc gia khác trên thế giới để khiến cơ quan điều tra phải đứng ra ngoài.

Thứ ba, công tác điều tra vụ án hình sự là quá trình phức tạp, khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi cơ quan điều tra phải là một lực lượng đủ mạnh để trấn áp, điều tra tội phạm. Với tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay cho phép cơ quan điều tra có những điều kiện thuận lợi khi áp dụng các hoạt động điều tra hình sự, nhất là khi phối hợp với các lực lượng (các cơ quan quản lý nhà nước), tiến hành các hoạt động điều tra theo tố tụng hình sự vì mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Thứ tư, thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các loại tội phạm khác trong thời gian qua đã khẳng định tính chất phù hợp của quy định pháp luật về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra trong mối quan hệ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, phù hợp với thể chế chính trị của Nhà nước ta.

Mục đích đằng sau âm mưu, thủ đoạn đòi tách cơ quan điều tra ra khỏi lực lượng vũ trang, đứng riêng độc lập (như Viện Kiểm sát, Tòa án) không gì khác là một thủ đoạn của “diễn biến hòa bình”, hòng làm phức tạp, rối ren tình hình chính trị - xã hội ở Việt Nam. Mục đích đó đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, hiển nhiên phải được loại bỏ

T.C.T.
.
.
.