ASEAN trước và nay

Thứ Sáu, 05/08/2016, 09:53
Ngày 8 tháng 8 năm 1967 ở Đông Nam Á xuất hiện một tổ chức mang tên “Hiệp hội các nước Đông Nam Á”, gọi tắt theo tiếng Anh là ASEAN. Trong gần 60 năm qua, tình hình thế giới và khu vực đã thay đổi nhiều, ASEAN cũng không còn như trước. Ta hãy thử nhìn lại xem ASEAN năm 2016 khác ASEAN năm 1967 thế nào.

Vào năm 1967,  “chiến tranh lạnh” đang ở đỉnh cao mà cuộc chiến ở Việt Nam và trên bán đảo Đông Dương là tâm điểm; một số nước thành viên ASEAN thậm chí đã tham chiến ở Việt Nam. Mươi mười lăm năm tiếp theo khu vực đã phải sống trong trạng thái chia rẽ, đối đầu căng thẳng.

Ngày nay, cả mười quốc gia trong khu vực đều là thành viên Hiệp hội; giữa họ không còn chiến tranh, xung đột quân sự, hơn thế nữa đều tham gia một Cộng đồng chính trị - an ninh nhằm “bảo đảm các nước ASEAN chung sống hòa bình và với toàn thế giới trong môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp…dựa vào các biện pháp hòa bình để giải quyết các khác biệt…,coi an ninh của mình gắn bó mật thiết với nhau và bị ràng buộc bởi vị trí địa lý, viễn cảnh và mục tiêu chung” như được nêu rõ trong Tuyên bố Bali II – một văn kiện xác định mục tiêu hình thành Cộng đồng được thông qua năm 2013.

Vào năm 1967, tuy mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được coi là trọng tâm song rất mờ nhạt, trên thực tế Hiệp hội đã bị cuốn vào các vấn đề chính trị - an ninh, các nước thành viên đều ở trạng thái nghèo nàn, lạc hậu.

Ngày nay, ASEAN đã trở thành một Cộng đồng kinh tế với thị trường 634 triệu dân và GDP đạt trên 2.500 tỷ USD – một nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, đang theo đuổi mục tiêu trở thành thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, phát triển đồng đều, có sức cạnh tranh cao, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Nhiều thành viên ASEAN đã trở thành các quốc gia có thu nhập trung bình, riêng Singapore đạt trình độ phát triển kinh tế thuộc loại hàng đầu thế giới.

Đêm giao lưu văn hóa Asean.

Vào năm 1967, không mấy ai biết đến ASEAN; ngày nay ASEAN trở thành một tổ chức khu vực có tiếng trên thế giới, thiết lập quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, bao gồm tất cả các nước lớn, đóng vai trò dẫn dắt trong các thể chế khu vực như Diễn đàn Đông Á (EAF), Diễn đàn Á – Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác châu Á – Mỹ La-tinh (FALAC), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Diễn đàn các cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM+); 7 thành viên ASEAN có tiếng nói đáng kể trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái bình dương (APEC)…

Nói như vậy không có nghĩa là con đường đi lên chỉ có hoa hồng mà Hiệp hội đã gặp phải không ít chông gai, trở ngại.

Lúc này đây đâu đó đang rầm rì những lời bàn tán về sự bền vững của ASEAN trước hiện tượng ASEAN không tìm kiếm được sự đồng thuận trên vấn đề biển Đông và trước sự kiện động trời là nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu.

 Thực ra ASEAN không phải là tổ chức đa phương đầu tiên và duy nhất đối mặt với sự giằng co giữa hai xu hướng “hướng tâm” và “ly tâm”.

Lợi ích mở rộng không gian phát triển và củng cố sức mạnh tập thể là những nhân tố thúc đẩy xu hướng “hướng tâm”. Ngược lại, lợi ích dân tộc của mỗi quốc gia thành viên là chất xúc tác khơi mào cho xu hướng “ly tâm”.

ASEAN không phải là ngoại lệ, nhất là lịch sử hình thành và phát triển của mỗi thành viên rất khác nhau; chế độ chính trị - xã hội cũng không giống nhau; bản sắc văn hóa khá đa dạng; trình độ phát triển kinh tế khá chênh lệch.

Do những khác biệt như vậy nên ASEAN mới chỉ là một hiệp hội, chưa phải là Liên minh với cơ chế chỉ đạo điều hành đa quốc gia như Liên minh châu Âu.

Cũng vì hoàn cảnh đó nên ASEAN kiên trì nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau và đồng thuận, tức là mọi quyết định trong Hiệp hội phải được sự đồng ý của mọi thành viên.

Thể chế ấy có cái dở là các công việc tiến triển khá chậm chạp nhưng lại có cái hay là bảo đảm tính linh hoạt, góp phần duy trì sự tồn tại của Hiệp hội. Có thể nói “thượng tầng kiến trúc” hiện nay tương đối phù hợp với “hạ tầng cơ sở” của ASEAN.

Một đặc điểm khác của ASEAN là nằm ở vị trí địa – kinh tế và địa – chính trị quan trọng của thế giới. Đây vừa là lợi thế, vừa là điểm yếu của khu vực. Nhờ vị trí đắc địa của mình, Đông Nam Á có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nước bên ngoài, nhất là các nước lớn, tạo nên dư địa tương đối rộng cho một chính sách ngoại giao linh hoạt.

Mặt khác, trong sự tranh giành ảnh hưởng ở khu vực trọng yếu này, các nước lớn khi thì chành chọe khi thì thỏa hiệp với nhau, và vì lợi ích của mình thường dùng thủ thuật “cái gậy và củ cà rốt” đối với các nước trong khu vực. Chẳng thế mà ở Đông Nam Á người ta thường nói: voi quần nhau cỏ cũng bị dẫm nát, voi ân ái với nhau cỏ cũng bị rầy vò.

Lịch sử Đông Nam Á hơn 70 năm qua kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai minh chứng rõ rệt cho thực trạng đáng buồn này.

Những biểu hiện không vui trong nội bộ ASEAN gần đây xung quanh vấn đề biển Đông bắt nguồn từ những đặc điểm trên. Tuy nhiên nay cả 10 quốc gia trong khu vực đã cùng ngồi trên một con thuyền, sóng yên biển lặng cùng hưởng, phong ba bão táp cùng chịu.

Chính sách “viễn giao, cận công” vì lợi ích riêng, bỏ qua lợi ích hòa bình, ổn định của cả khu vực và làm sứt mẻ tình đoàn kết, sự hợp tác nội khối không những có hại cho Hiệp hội mà còn làm sứt mẻ lòng tin của bạn bè, đặt mình vào thế yếu, mất nơi nương tựa khi tối lửa tắt đèn .

Chính sách phân hóa, chia rẽ ASEAN chẳng đem lại lợi lộc gì cho người theo đuổi nó, trái lại có thể đem lại kết cục “gậy ông đập lưng ông”, làm mất uy tín bản thân, xói mòn lòng tin, đào sâu thêm hố ngăn cách với một tổ chức có vị trí trọng yếu ở khu vực, đặt họ vào thể phải tìm kiếm sự chọn lựa khác không có lợi cho chính mình.

May thay, điều hay lẽ phải, lợi ích chung của khu vực vẫn là xu hướng chủ đạo. Sau mỗi lần chao đảo, ASEAN lại tìm được tiếng nói chung. Sau Hội nghị Ngoại trưởng (AMM) ở Phnôm Pênh năm 2012 không ra được Tuyên bố chung vì nước chủ nhà theo đuổi cách tiếp cận riêng trên vấn đề biển Đông, chỉ đôi ba ngày sau các nước thành viên đã đạt được sự đồng thuận về Tuyên bố 6 điểm về biển Đông.

Hội nghị Ngoại trưởng ở Viên chăn vừa qua cuối cùng cũng đã thông qua được một bản Tuyên bố chung gọi mặt chỉ tên những mối đe dọa và những mối quan ngại chung về diễn biến tình hình trên biển Đông, về các hành động cải tạo và leo thang các hoạt động tại khu vực, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.

Đồng thời ASEAN đồng thanh yêu cầu kiềm chế, không tiến hành các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, không thay đổi hiện trạng, làm leo thang căng thẳng; kêu gọi theo đuổi các giải pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Mặc dầu không đồng thuận được về một vài khía cạnh, song Tuyên bố Hội nghị một lần nữa cho thấy sự thật, lẽ phải, lợi ích duy trì đoàn kết nội khối, giữ vững hòa bình ổn định, thông qua đàm phán trên tinh thần thượng tôn pháp luật tiếp tục chiếm thế thượng phong; những nỗ lực chia rẽ, phá hoại ASEAN một lần nữa không thành.

Vả lại, ngoài vấn đề biển Đông ASEAN còn nhiều việc hệ trọng khác cần làm như củng cố Cộng đồng, triển khai việc thực hiện Tầm nhìn tới 2025, mở rộng hợp tác với các nước đối tác…Trên những chủ đề này đâu có chuyện phân tâm?

Xem như vậy có thể khẳng định rằng, hoàn toàn không có cơ sở để nghi ngờ về tính bền vững của ASEAN, không hề có biểu hiện nào cho thấy nguy cơ của hiện tượng X-exit nào đó đe dọa ASEAN.

Trước những trục trặc trong ASEAN mà Việt Nam là một thành viên tích cực, cần khẳng định lợi ích to lớn của nước ta trong việc tham gia Hiệp hội.

Sau mấy chục năm chịu cảnh chiến tranh, đối đầu, thù nghịch, với việc tham gia Cộng đồng ASEAN nước ta đã tạo dựng được cả một “vòng cung” hữu nghị, hợp tác; cùng Hiệp hội nước ta có vị thế quốc tế cao chưa từng có; mở rộng thêm thị trưởng và tranh thủ thêm sự hợp tác đầu tư; càng có thêm sức hấp dẫn với các đối tác bên ngoài.

Không ngừng góp phần củng cố ASEAN và đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Cộng đồng là một chính sách lớn vì lợi ích chính đáng của nước ta cần được kiên trì.

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng
.
.
.