ASEAN 4.0: Phát huy tinh thần doanh nghiệp trong thời đại mới

Thứ Ba, 21/08/2018, 15:11
Hướng tới Diễn đàn kinh tế thế giới ASEAN được tổ chức vào tháng 9 tới tại Việt Nam, ngày 21-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức Hội thảo "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0", nhằm đặt vấn đề, gợi mở ý tưởng cũng như kiến nghị chính sách với các nước ASEAN, góp phần nâng cao năng lực thích ứng và duy trì đà phát triển năng động.  

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Đại sứ, Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các chuyên gia kinh tế hàng đầu và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. 

Cơ hội phát triển nhanh, bền vững, bao trùm 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống xã hội, loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị và mô hình kinh doanh cũ. 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. 

Tuy nhiên, nếu các quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN tạo dựng được môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng đến từ đổi mới sáng tạo công nghệ, thì hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn trong Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Vì vậy, thế giới số sẽ không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ mà còn mang đến cơ hội khởi nghiệp, sáng tạo cho mọi nguời dân, giúp tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. 

Tập trung chấn hưng giáo dục và kết nối có lộ trình

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng 2 thập niên tới. 

Các diễn giả tham gia hội thảo đã trao đổi tích cực với các doanh nghiệp về các cơ hội và thách thức cũng như định hướng để thích với thời đại 4.0. 

Do đó, yêu cầu cấp bách trong giai đoạn này là tạo đột phá, chấn hưng giáo dục để thế hệ trẻ với tri thức được trang bị sẽ tiếp cận với thời đại mới một cách sáng tạo và năng động. 

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi, Chủ tịch EuroCham Dennis Brunetti cho hay, yêu tố con người được coi là một trong những cốt lõi của mọi sự phát triển nên cần đặc biệt chú trọng. 

Các chuyên gia cho rằng cần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao biết kết nối, tiếp thu và phát triển các tinh hoa, thành tựu của thế giới, nhưng phải theo một cách bài bản, thân thiện và có lộ trình, không được "ăn cắp chất xám", để tránh nổ ra các cuộc chiến thương mại không mong muốn. 

Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp không chỉ là "comple và caravat" 

Hội thảo thu hút sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia và doanh nghiệp. 

Cũng tại phiên thảo luận, T.S Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ, ASEAN đủ lớn để có thể đi nhanh, nhưng để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ mới, thì từng Chính phủ của ASEAN và doanh nghiệp các nước ASEAN cần phát huy tự cường, tìm các hướng đi và giải pháp mới.

Thực tế cho thấy những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán thông minh, taxi Uber, Grab... đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý. Nhưng nếu như mọi nỗ lực cần có sự dẫn dắt của Chính phủ, thì các doanh nghiệp cũng cần lăn xả cùng với Chính phủ để nghiên cứu kết nối, gợi mở ý tưởng và "hiến kế", để cùng hài hòa trong việc đề ra các khung pháp lý và tranh thủ thời cơ thu hút đầu tư, phát triển. 

Từ ngày 11 đến 13-9, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ đồng tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN (WEF ASEAN) 2018 tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam trong năm nay, thu hút hơn 1000 đại biểu trong nước và quốc tế.

Việc Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN là sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab. Với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", hội nghị sẽ là nơi thúc đẩy đối thoại và chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng và định hướng chính sách liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại ASEAN và trên thế giới.



Linh Đan
.
.
.