APPF-26 thông qua Tuyên bố Hà Nội

Thứ Bảy, 20/01/2018, 17:51

Chiều ngày 20-1, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF) đã diễn ra lễ bế mạc và thông qua 17 văn kiện, trong đó có Tuyên bố APPF Hà Nội.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, cùng với những kết quả đã đạt được của những Hội nghị trước, APPF-26 là bước tiến tiếp theo quan trọng trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của Diễn đàn đã được đề ra trong Tuyên bố Vancouver và Tuyên bố New Tokyo. 

17 văn kiện trong đó có 14 Nghị quyết đã được thông qua, cũng như các cuộc trao đổi, thảo luận đã cho thấy vai trò quan trọng của các Nghị viện trong việc tham gia vào tiến trình thực hiện những cam kết quốc tế để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố bế mạc Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thành công của Hội nghị APPF-26 là việc thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương”. 

Tuyên bố Hà Nội đánh dấu 25 năm thành lập và định hướng tương lai của Diễn đàn trong thập niên tiếp theo đến năm 2030; đánh giá những thành tựu nổi bật trong 25 năm qua, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển bền vững ở Châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới. 

Tuyên bố cũng đánh giá về một thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và thống nhất APPF đang ở thời điểm cần có cải cách để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đối thoại của các thành viên trong khu vực và tăng cường đóng góp của APPF vào các lĩnh vực đa phương, khu vực và quốc tế. 

Từ sự thống nhất như vậy, Tuyên bố nêu bật các định hướng cho quan hệ đối tác nghị viện khu vực với sự khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. 

Trưởng đoàn các nước ký Thông cáo chung tại lễ bế mạc Hội nghị APPF-26.

Tuyên bố cam kết tiếp tục tinh thần của các Tuyên bố APPF trước đây tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự đa dạng về thể chế, chính trị, văn hóa, tôn giáo; tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc vào luật pháp quốc tế. 

Tuyên bố cũng khẳng định tầm quan trọng duy trì tự do hàng hải an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, kinh tế đối thoại và hành động chung ứng phó với an ninh phi truyền thống; phòng ngừa và chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan; tăng cường hợp tác quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hợp tác giảm thiểu rủi ro, ứng phó và phục hồi trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kế thừa các bản Tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) v.v...

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại lễ bế mạc Hội nghị APPF-26.

Tuyên bố cũng đã đưa ra một bức tranh phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, trong đó có những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cùng những tác động hết sức sâu rộng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị đã nhận định tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện, đề ra những nhiệm vụ mà APPF cần phải thực hiện, cũng như thúc đẩy APPF triển khai các hành động nhằm mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

Trong giai đoạn tới, APPF cần phải tiếp tục đổi mới nội dung nghị sự, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thể chế đa phương như APEC và các cơ chế hợp tác khác. “Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và Nghị viện các nước để hiện thực hóa tầm nhìn mà chúng ta đã đề ra để đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF trở thành hành động cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương (APPF) đã thông qua 14 nghị quyết về những vấn đề quan trọng, 1 sửa đổi Quy chế Hội nghị nữ nghị sĩ APPF, Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương”và Thông cáo chung APPF-26. Hội nghị cũng đã nhất trí Quốc hội Campuchia sẽ giữ chức Chủ tịch APPF và đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-27 vào tháng 1-2019 tại Siemriep.

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.